Khi bé từ 12 tháng tuổi trở lên, các mẹ nên bổ sung thịt cua vào thực đơn ăn dặm cho bé. Cua biển có thể chế biến thành nhiều món ngon cho bé, trong đó có món súp cua trứng cút thịt viên, các mẹ nhớ dầm trứng cút ra để khi bé ăn không bị nghẹn nhé.
Món súp cua trứng cút có cách làm khá đơn giản mà lại ngọt thơm, đầy đủ dinh dưỡng không chỉ cho bé mà còn cho cả các thành viên khác trong gia đình.
Nguyên liệu làm món súp cua trứng cút thịt viên
Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm món súp cua trứng cút thịt viên:
– 1 con cua/ghẹ to hoặc 2 con ghẹ cỡ vừa
– 10 quả trứng cút
– 150g thịt heo xay
– 100g nấm mỡ
– Hành, mùi, mắm, dầu ăn, hạt nêm
Cách chế biến:
Trứng cút luộc chín, bóc vỏ. Gà luộc chín, xé sợi nhỏ. Giữ lại nước luộc gà để nấu súp.
Thịt heo ướp với chút mắm và hạt nêm trong khoảng 15 phút rồi nặn thành các viên nhỏ bằng cỡ đầu ngón tay cái.
Cua hoặc ghẹ rửa sạch, luộc hoặc hấp chín rồi để nguội, bóc lấy phần thịt. Nếu không có thời gian bóc cua bạn có thể mua thịt cua bóc sẵn ở siêu thị, tuy nhiên ăn sẽ không thơm ngon bằng thịt cua tươi.
Nấm mỡ rửa sạch, để ráo rồi thái lát mỏng.
Đánh tan 1 quả trứng gà trong bát. Hòa tan 2 thìa canh bột năng với 1 bát nước.
Phần đầu hành lá thái nhỏ. Rau mùi và phần thân hành thái nhỏ, để riêng. Chừa lại một ít cọng mùi để trang trí tùy thích.
Làm nóng nồi với 1 muỗng canh dầu ăn, cho phần đầu hành vào phi thơm.
Trút nấm và thịt cua vào đảo nhanh tay.
Đổ phần nước luộc gà lúc trước vào, đun sôi.
Nước sôi bạn lần lượt cho thịt viên rồi tới trứng cút và thịt gà vào nồi. Sau mỗi lần thêm một loại nguyên liệu bạn cần đun sôi rồi mới cho tiếp nguyên liệu khác nhé!
Lần lượt đổ bát bột pha nước vào nồi, đun sôi cho súp sánh rồi tiếp tục đổ từ từ trứng vào, vừa đổ vừa dùng đũa khuấy theo chiều kim đồng hồ để trứng kéo sợi, tạo vân đẹp mắt.
Đun sôi rồi nêm nếm lại cho vừa ăn, rắc hành, mùi tùy thích. Món này nên dùng nóng.
Thành phẩm
Món súp cua trứng cút thịt viên dù khâu chuẩn bị hơi mất nhiều thời gian nhưng bù lại cách làm khá đơn giản mà lại ngọt thơm, đầy đủ dinh dưỡng không chỉ cho bé mà còn cho cả các thành viên khác trong gia đình. Mỗi khi ăn cua ghẹ bạn có thể lấy riêng ra một ít để dành nấu súp như thế này, vừa tiện lợi vừa đỡ ngại khi phải bóc cua ghẹ.
Với món súp cua trứng cút thịt viên, bạn không cần phải nêm nếm nhiều gia vị mà súp vẫn có vị ngọt đậm đà từ cua, thịt gà, thịt viên và cả nấm nữa. Khi cho bé ăn mẹ nhớ dầm trứng cút ra để bé không bị hóc, nghẹn nhé!
Chúc các bạn thành công và nấu được một nồi súp cua trứng cút thịt viên thật ngon nhé!
Lợi ích của thịt cua biển: giúp bé cao lớn và thông minh
Bé đã quá ngán với các món thịt, cá. Mẹ vẫn muốn bé được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, thông minh và nhanh cao lớn. Tại sao mẹ không chọn mua cua cho bé nhỉ?
Cua biển cực kỳ nhiều dinh dưỡng cho bé
Trong thịt cua có nhiều chất vitaminh, đặc biệt là có đầy đủ các nhóm vitamin B, các khoáng chất như chất sắt, kali, canxi, đồng… Hơn thế, trong các loại hải sản, cua lại chứa lượng thủy ngân ít hơn các các loại cá ngừ, cá biển.. Mẹ có thể cho bé ăn thịt cua mà chẳng ngại ngần gì.
85g thịt cua cung cấp từ 300 – 500mg chất béo, cung cấp axit béo omega 3, rất bổ cho não bộ của bé. Hơn thế, ăn thịt cua lại chẳng ngán, không béo như ăn mỡ gà mỡ cá.
Có mẹ sợ cho bé ăn nhiều thịt cua sẽ bổ quá, nhiều cholesterol. Nhưng theo kết quả nghiên cứu, mức độ cholesterol trong thịt gà và thịt thăn mẹ hay cho bé ăn là 44mg/kg và 50mg/kg thì lượng cholesterol ở thịt cua là từ 30 – 56mg/kg. Mẹ cũng không phải băn khoăn về vấn lượng cholesterol trong thịt cua nữa nhé.
Chọn mua cua cho bé
Mẹ nên mua cua biển còn sống để về “làm thịt” cho bé. Thịt cua tươi, ngọt và chứa nhiều dưỡng chất. Thịt cua đông lạnh không ngon bằng mà lại mất đi một số giá trị dinh dưỡng cho bé.
Hải sản càng tươi bao nhiêu càng giảm nguy cơ dị ứng đi bấy nhiêu.
Cho bé ăn cua biển tránh dị ứng
12 tháng tuổi trở lên, mẹ mới nên cho bé ăn thịt cua. Số lượng từ ít đến nhiều.
Mẹ cho trong khoảng 1 – 2 ngày liên tục để xem bé có bị dị ứng không. Trước tiên, mẹ chỉ nên lấy thịt cua ở 2 càng to nấu cháo cho bé. Nên nấu với hành tây hoặc măng tây.
Mẹ nào “ham” con cao lớn và thông minh nhanh, cho con ăn cả gạch và trứng cua, sẽ rất khó tiêu. Thịt cua biển nhiều đạm, cho bé ăn nhiều dễ bị đầy bụng và nôn/trớ.
Kinh nghiệm của mẹ Mun là một con cua khoảng 600g, mẹ bóc tách lấy thịt, cho con ăn khoảng 5 bữa. Một tuần, con chỉ ăn từ 1 – 2 bữa thịt cua. Không cho bé ăn gạch vì sợ bé khó tiêu.
Nếu mẹ nào đã trót cho con ăn của biển sớm mà con bị dị ứng, có thể đợi đến khi con tròn 1 tuổi, tập cho con ăn lại và theo dõi, sẽ không sao đâu.
Lưu ý: Dù mẹ nấu cháo, nấu súp hay xào miến, cho con ăn cua biển trực tiếp, phải cho con ăn nóng hoặc ấm ấm nhé. Nếu con ăn thịt cua nguội, thịt sẽ không chắc, không ngọt, ăn mất ngon.
Nếu cho bé ăn trực tiếp cua biển, mẹ nên bóc tách thịt cua cẩn thận rồi cho bé ăn. Tránh các mảnh vỏ cua biển nhỏ, sắc nhọn còn sót lại hoặc lẫn ở thịt cua khiến bé bị hóc, bị tổn thương.