Sữa dê là nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời cho trẻ – đặc biệt là trẻ bị dị ứng đạm trong sữa bò. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em Châu Âu vẫn khuyên các mẹ thận trọng trong việc sử dụng sữa dê cho trẻ uống hàng ngày, cách sử dụng sữa dê tốt nhất và đúng cách nhất là chỉ dùng cho bé trên 1 tuổi và sử dụng luân phiên xen kẽ với sữa bò để bảo đảm bé được cung cấp đầy đủ chất dưỡng chất nhất.
Giá trị dinh dưỡng của sữa dê – Sữa dê giàu protein và các khoáng chất
Sữa dê rất tốt cho trẻ bởi sữa dê có chứa các enzym và chất dinh dưỡng như đạm và béo, đặc biệt, chất béo của sữa dê gần giống với chất béo của sữa mẹ, trẻ uống vào dễ hấp thụ. Trong sữa dê có chất hoá học casein giúp giảm các vấn đề liên quan đến hô hấp ở trẻ.
Một số nghiên cứu khoa học chứng minh, các triệu chứng về dạ dày như tiêu chảy, táo bón ở bé được giảm thiếu đáng kể khi cha mẹ cho bé uống sữa dê. Nguyên nhân là vì các nhà khoa học tìm thấy trong chất béo của sữa dê có axit capric, tạo thành màng ngăn, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh đường ruột.
Ngoài ra, trong sữa dê còn có chất gần giống kháng sinh tự nhiên giúp mau liền vết thương, mau hồi phục bệnh về tiêu hóa và một số bệnh khác, lượng calci trong sữa rất tốt cho sự phát triển khối xương của trẻ và giúp trẻ đi vào giấc ngủ dễ dàng, vitamin A, B2 có nhiều trong sữa dê tốt cho tế bào mắt và da.
Với những bé bị dị ứng với sữa công thức có nguồn gốc từ sữa bò hoặc dị ứng các chất protein và lactose thì dùng sữa dê để thay thế là giải pháp tuyệt vời hơn cả.
Sữa dê cũng được sản xuất và đóng hộp theo từng độ tuổi nên các bà mẹ có thể yên tâm là con không bị ngắt quãng khi dùng sữa dê.
Sữa dê cũng có những hạn chế nhất định
So với sữa mẹ và sữa công thức gốc sữa bò, sữa dê nghèo chất dinh dưỡng hơn. Sữa dê vừa chứa hàm lượng vitamin D thấp, vừa ít chất sắt, vitamin B12 và folate (yếu tố dễ khiến bé bị thiếu máu do thiếu sắt hoặc thiếu máu do lượng hồng cầu sụt giảm).
Bên cạnh đó sữa dê tươi có thể chứa nhiều loại vi khuẩn nên khiến bé dễ bị mắc bệnh và sữa dê công thức cũng có giá thành đắt hơn so với sữa công thức gốc sữa bò.
Bé chỉ nên uống sữa dê khi đã được trên 1 tuổi
Cha mẹ nên lưu ý vì thông thường, có 2 loại sữa dê:
Loại 1, với thành phần chính là sữa dê nên nghèo chất sắt.
Loại 2, sữa dê được đóng hộp chuyên dụng, dành cho các bé theo từng độ tuổi (sữa công thức). Loại này thường được nhà sản xuất cân bằng các chất có trong hộp sữa nên cha mẹ không cần lo lắng bé sẽ bị thiếu sắt khi uống sữa dê.
Với nhóm bé bị dị ứng bởi protein và lactose, những bé đã cai sữa mẹ hoặc kém hấp thu sữa công thức có nguồn gốc từ sữa bò, giải pháp thay thế là mẹ có thể cho bé uống sữa dê. Với những loại sữa dê đóng hộp thế này, cha mẹ có thể yên tâm vì nhà sản xuất thường cân bằng chất dinh dưỡng có trong hộp sữa nên không lo bé sẽ bị thiếu sắt.
Nếu muốn cho bé thử uống sữa dê, mẹ nên đợi cho đến khi bé được trên 1 tuổi (cũng có loại sữa dê dành riêng cho bé dưới 1 tuổi. Đây là loại sữa dê dạng công thức, có ghi chú với từng độ tuổi của bé); đồng thời, nên chọn mua sữa dê có nguồn gốc uy tín, tránh những loại trôi nổi trên thị trường.
Nên dùng xen kẽ để các bé được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Sữa dê nhiều protein (đạm) hơn sữa bò, trong khi đó, sữa bò lại có chất béo cao hơn sữa dê. Đối với trẻ thì lại cần lượng béo nhiều hơn lượng đạm. Vì thế, các mẹ nên nhớ rằng không phải lúc nào dùng sữa dê cũng tốt cho trẻ. Chúng ta nên dùng xen kẽ để các bé được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng hơn./.
Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng khi cho trẻ dùng sữa dê
Sữa dê khác gì so với sữa bò?
Sữa dê được cho là dễ tiêu hóa hơn và ít gây dị ứng hơn so với sữa bò. Vậy thành phần dinh dưỡng của nó khác biệt như thế nào so với sữa bò? Thông tin trên trang AskDrSears cho biết:
– Khác về hàm lượng chất béo và đặc tính của chất béo. Sữa dê chứa nhiều chất béo hơn sữa bò, với khoảng 10 gram chất béo trên mỗi 8 ounce sữa (khoảng 250 ml), so với 8 – 9 gram của sữa bò, và bạn sẽ dễ dàng tìm mua được các loại sữa ít béo và không béo của sữa bò hơn là mua sữa dê ít béo. Không giống như sữa bò, sữa dê không chứa chất agglutinin, nên các giọt chất béo trong sữa dê không co cụm lại với nhau, do đó chất béo trong sữa dê dễ tiêu hóa hơn. Trong khi đó, giống như sữa bò, sữa dê cũng có hàm lượng thấp các axit béo cần thiết (essential fatty acid – EFA), bởi vì dê cũng có vi khuẩn tiêu diệt EFA trong dạ dày như mọi động vật nhai lại. Tuy nhiên, sữa dê có chứa nhiều các axit béo linoleic và arachnodonic, cũng như có tỉ lệ cao hơn các axit béo chuỗi ngắn và chuỗi trung bình. Điều này giúp các enzyme trong ruột tiêu hóa chất béo dễ hơn.
– Khác nhau về đạm sữa (protein sữa). Protein sữa dê hình thành sữa đông ở dạng mềm hơn (dưới tác động của các axit trong dạ dày, các protein sữa sẽ kết đông lại thành những cụm nhỏ), do đó protein trong sữa dê được tiêu hóa dễ hơn và nhanh hơn. Về mặt lý thuyết, việc đi qua dạ dày nhanh hơn của sữa dê sẽ có lợi cho những trẻ không dung nạp được sữa bò. Sữa dê cũng có lợi thế khi nói đến dị ứng. Sữa dê chỉ chứa một lượng rất nhỏ của một protein casein gây dị ứng, alpha-S1, được tìm thấy trong sữa bò. Casein trong sữa dê giống với sữa mẹ hơn, nhưng cả sữa bò và sữa dê đều chứa hàm lượng tương đương nhau của một protein gây dị ứng khác là beta lactoglobulin. Các nghiên cứu khoa học chưa tìm thấy một tỷ lệ giảm dị ứng với sữa dê, nhưng đây là một tình huống cho thấy sự quan sát của các bà mẹ và các nghiên cứu khoa học mâu thuẫn với nhau. Một số bà mẹ chắc chắn rằng con của họ dung nạp sữa dê tốt hơn sữa bò, và các bà mẹ thì thường nhạy cảm hơn với phản ứng của trẻ so với các nghiên cứu khoa học.
– Sữa dê ít lactose hơn. Sữa dê có chứa hàm lượng lactose thấp hơn chút ít so với sữa bò: 4,1% so với 4,7%, có thể là một lợi thế nhỏ đối với những người không dung nạp lactose. (Lactose là một loại đường có nhiều trong sữa động vật, để cơ thể hấp thu được cần có men lactase để phân tách đường lactose thành đường glucose và galactose, nếu thiếu men lactase ở ruột non thì đường lactose không được phân tách và như vậy sẽ không được hấp thu vào máu mà bị tồn đọng ở ruột, dẫn đến những rối loạn gọi là không dung nạp đường lactose).
– Tỉ lệ khoáng chất khác nhau. Mặc dù hàm lượng các khoáng chất của sữa dê và sữa bò nói chung tương tự nhau, sữa dê có chứa canxi nhiều hơn 13%, nhiều hơn 25% vitamin B-6, nhiều hơn 47% vitamin A, nhiều hơn 134% kali, và hàm lượng niacin cao gấp 3 lần so với sữa bò. Hàm lượng đồng trong sữa dê cũng cao gấp 4 lần. Sữa dê cũng chứa nhiều hơn 27% chất chống oxy hóa selenium so với sữa bò. Trong khi đó, sữa bò chứa gấp 5 lần vitamin B-12 và gấp 10 lần axit folic (12 mcg so với 1 mcg trong sữa dê trên mỗi 250 ml sữa). Do sữa dê có ít axit folic (một axit cần thiết cho việc tạo tế bào mới và duy trì chúng, nếu thiếu axit này có thể gây thiếu máu dinh dưỡng), do đó các loại sữa dê công thức cho trẻ em bắt buộc phải bổ sung thêm axit này. Nếu để ý bạn sẽ thấy trên vỏ hộp các loại sữa dê thường có quảng cáo “có bổ sung axit folic”.
Sữa dê có “giống sữa mẹ” như quảng cáo?
Trong rất nhiều quảng cáo cho sữa dê, bạn sẽ thấy thông tin nói rằng sữa dê có thành phần dinh dưỡng rất giống sữa mẹ, gần với sữa mẹ nên thích hợp cho trẻ hơn. Điều này thực hư thế nào?
Theo Trung tâm Nghiên cứu dinh dưỡng Nhi tại Baylor College of Medicine, cả sữa dê và sữa bò đều có chứa những protein dành riêng cho nòi giống của chúng và đều có khả năng gây ra phản ứng dị ứng ở trẻ sơ sinh. Không có sữa nào phù hợp với trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ.
Đúng là so với sữa bò, kết cấu thành phần protein (đặc biệt là tỉ lệ casein:whey) của sữa dê giống với sữa mẹ hơn, nhưng toàn bộ thành phần dinh dưỡng tổng thể của cả sữa bò và sữa dê đều còn xa mới đạt mức lý tưởng để thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ.
Thành phần protein không phải là sự khác biệt quan trọng duy nhất giữa sữa mẹ và sữa của các loài động vật khác. Số lượng và nồng độ vitamin và khoáng chất cũng khác nhau. Ví dụ, trong khi nồng độ canxi trong sữa mẹ chỉ là 26 mg mỗi 100 ml, thì cùng một khối lượng sữa dê chứa 136 mg, và sữa bò có chứa 121 mg. Sữa mẹ cũng chứa phốt pho ít hơn nhiều, một chất khoáng quan trọng khác trong việc tạo thành xương. Sữa mẹ chỉ có 14 mg phốt pho mỗi 100 ml, sữa bò có tới 113 mg/100 ml và sữa dê là 95 mg/100 ml. Mức khoáng chất rất cao này là cần thiết để xây dựng bộ xương có tốc độ phát triển nhanh chóng của bê và dê con, nhưng có thể gây áp lực lớn lên thận của các bé sơ sinh. Nhớ rằng, con bò chỉ mất khoảng 1 năm để trưởng thành, nhưng con người thì phải mất từ 16-18 năm.
Sữa mẹ có hàm lượng chất sắt, vitamin D và vitamin C rất thấp, tuy nhiên trẻ dễ dàng hấp thu hơn. Trước khi ra đời, thai nhi được mẹ cung cấp chất sắt vào 3 tháng cuối của thai kỳ, lượng chất sắt này được dự trữ đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ đến 4-5 tháng sau khi ra đời, do đó trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể bú sữa mẹ hoàn toàn mà không sợ thiếu máu. Sự thiếu hụt vitamin D và vitamin C có thể được bù đắp bằng cách cho trẻ tắm nắng và uống nước quả tiệt trùng. Từ 6 tháng, trẻ có thể hấp thu thêm chất sắt từ các thực phẩm ăn dặm.
Trong bảng so sánh hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong sữa dê, sữa bò và sữa mẹ dưới đây, có thể thấy sữa mẹ vẫn rất khác so với sữa dê, do vậy hãy thận trọng khi cho trẻ uống sữa ngoài (không phải sữa mẹ), ít nhất là trong giai đoạn sơ sinh.
Có phải sữa dê đang bị cấm bán tại châu Âu?
Từ năm 2005, Bộ Y tế của Anh và các nước thuộc Liên minh châu Âu đã ra lệnh cấm bán sữa dê dạng công thức cho trẻ sơ sinh (infant formula) và các công thức sữa tiếp theo cho trẻ lớn hơn (follow-on formula) do sữa dê “không phù hợp với trẻ”. Chỉ có sữa dê công thức cho trẻ trên 1 tuổi mới được phép lưu hành. Hơn thế nữa, việc sử dụng sữa dê cho trẻ phải được chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2012, Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (European Food Safety Authority – EFSA) đã công bố một báo cáo xem xét lại vấn đề sữa dê và công bố sữa dê công thức có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mặc dù vậy, cho đến nay Liên minh châu Âu vẫn chưa sửa đổi và cho phép sữa dê công thức cho trẻ em dưới 1 tuổi được bán tại các nước EU. Một dự thảo luật mới dự kiến sẽ cho phép sản xuất và bán sữa dê công thức cho trẻ em dưới 1 tuổi, có hiệu lực từ cuối tháng 8/2013.
Đáng chú ý, bản báo cáo của EFSA không khẳng định lợi ích của sữa dê so với sữa bò, mà chỉ cho biết kết quả nghiên cứu mới “không thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê hoặc lâm sàng ở cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu của trẻ sơ sinh giữa hai nhóm sử dụng hai công thức sữa (sữa dê và sữa bò). Bản báo cáo cũng kết luận rằng, sữa dê công thức có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với điều kiện sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn về thành phần của sữa đã được quy định ở Chỉ thị 2006/141/EC (một văn bản luật ban hành trong EU quy định các chỉ tiêu chất lượng của sữa công thức cho trẻ em). Ngoài ra, EFSA cũng khuyến cáo rằng, việc sản xuất sữa dê công thức cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần đặc biệt chú ý tới hàm lượng protein và cấu thành của protein sữa cũng như hàm lượng các amino axit.
Có nên cho con bạn uống sữa dê thay sữa bò không?
Nhiều bậc cha mẹ đã cho biết con của họ uống sữa dê rất tốt, trẻ tiêu hóa dễ hơn, nhất là những trẻ không dung nạp lactose. Tuy nhiên, sữa dê không phải là không có lactose, nó thực sự có chứa lactose và không phải tất cả các em bé bị chứng không dung nạp lactose đều có thể uống sữa dê.
Như đã đề cập ở trên, sữa dê chứa lactose ít hơn sữa bò, song tỉ lệ “ít hơn” này là không đáng kể, 4,1% so với 4,7%. Lợi ích chính của việc sử dụng sữa dê cho trẻ sơ sinh có thể bị dị ứng sữa bò hoặc không dung nạp lactose, là cấu tạo của protein sữa và chất béo trong sữa dê.
Lợi thế lớn của sữa dê là nó được cho là chứa ít protein “gây dị ứng”. Các protein trong sữa dê tạo thành những cụm “sữa đông” nhỏ hơn khi các axit dạ dày liên kết với các protein và sau đó bắt đầu quá trình tiêu hóa. Điều này làm cho các protein được tìm thấy trong sữa dê dễ tiêu hóa trong dạ dày của em bé hơn. Với những trẻ có dị ứng với protein sữa bò, sữa dê cũng có thể dung nạp tốt hơn.
Tuy nhiên, với những trẻ bình thường, nghĩa là không bị dị ứng với sữa bò hoặc chứng không dung nạp sữa bò, thì không nên uống sữa dê. Dưới đây là một vài lý do tại sao sữa dê công thức không phải là sự thay thế tốt cho sữa bò công thức:
1) Sữa dê thiếu axit folic và vitamin B6. Điều này có thể dẫn tới thiếu máu.
2) Sữa dê có hàm lượng protein cao hơn so với sữa mẹ (1,0 g /100 ml) và sữa bò công thức cho trẻ sơ sinh (1,4 g/100 ml), nó có tới 3,6 g/100 ml, có thể khiến trẻ sơ sinh có nguy cơ bị mất nước và làm tăng áp lực đối với thận.
3) Một trong những lý do mà rất nhiều “công thức” sữa dê cho trẻ sơ sinh thường yêu cầu phải pha loãng (nghĩa là thông thường khi pha sữa bò công thức, bạn cần khoảng 2 muỗng cho 120 ml nước, thì với sữa dê công thức, bạn thường chỉ cần pha 1 hoặc 1,5 muỗng sữa cho 120 ml nước), đó là để giảm áp lực cho thận.
Tuy nhiên, khi được pha loãng thì các chất dinh dưỡng, bao gồm năng lượng, cũng được pha loãng. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ hạ natri máu hoặc nhiễm độc nước, có thể gây co giật. Khi pha loãng sữa dê với tỉ lệ chỉ bằng một nửa so với độ đậm đặc tiêu chuẩn thì sữa chỉ cung cấp khoảng 10 calo mỗi ounce (28 g). Điều này có nghĩa là, để đáp ứng nhu cầu năng lượng, giả sử là 98 kcal x 8,25 kg cho một cậu bé 7 tháng tuổi, trẻ cần phải uống 80 ounce (2.240 g, tức là khoảng 2,2 kg) sữa dê mỗi ngày. Các bà mẹ nên pha sữa cho con theo đúng khuyến cáo trên vỏ hộp, không tự ý pha thêm sữa để sữa đặc hơn, có thể gây những hệ quả không tốt cho dạ dày và thận của trẻ.
4) Hiện tượng nhiễm toan sữa dê (nhiễm độc axit) đã được báo cáo trong các tài liệu y văn có nguyên nhân là do hàm lượng protein cao.
Có lẽ bạn biết hoặc đã thấy một số trẻ sơ sinh đã phát triển khỏe mạnh và tăng trưởng tốt khi uống sữa dê công thức cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, như các phân tích khoa học ở trên, chúng ta biết rằng sữa dê không phải là giải pháp dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh trong độ tuổi từ 0-12 tháng tuổi. Nếu con bạn hoàn toàn khỏe mạnh, uống được sữa bò công thức, không bị dị ứng hoặc bị nôn khi uống sữa bò, bạn không nên cho trẻ uống sữa dê. Nếu con bạn bị chứng không dung nạp sữa bò, bạn có thể dùng sữa dê nhưng phải thận trọng cho bé uống thử với liều lượng làm quen dần dần, không được thay đổi đột ngột hoặc cho uống nhiều ngay một lúc, kết hợp xen kẽ với các thực phẩm khác như sữa đậu nành, sữa gạo (nước cơm).
Kết luận
Việc có nên cho trẻ sơ sinh uống sữa dê hay không vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi trên thế giới, nhưng không thể phủ nhận sữa dê có những lợi ích nhất định đối với những trẻ có vấn đề về tiêu hóa và dung nạp sữa động vật. Thực tế là có nhiều trẻ em đã thích ứng tốt với sữa dê nhưng cũng có trẻ uống sữa dê bị giảm cân hoặc không tăng trưởng. Mặc dù EU đã xem xét lại kết luận trước đây về việc sữa dê không phù hợp cho trẻ sơ sinh, song các nghiên cứu mới cũng không khẳng định lợi ích của sữa dê so với sữa bò, do đó các bà mẹ vẫn cần thận trọng khi cho con uống sữa dê.
Các loại sữa dê phổ biến trên thị trường Việt Nam
Các mẹ có thể tham khảo một số loại sữa dê như:
Sữa Cabrima 3 hộp 900g sản xuất tại Hà Lan giá khoảng 550.000 đ/hộp.
Sữa Nannycare hộp 400g&900g sản xuất tại Anh giá khoảng 800.000 đ/ hộp 900g
Sữa Vitacare hộp 400g sản xuất tại Nga giá khoảng 495.000 đ/hộp
Sữa Karihome sản xuất tại New Zealand xuất Đài Loan giá 560.000 đ/hộp 900g
Sữa Karicare Goat milk sản xuất tại Úc hộp 900g giá khoảng 700.000 đ/ hộp
Sữa Babynas sản xuất tại Pháp giá gần 1,2triệu/hộp 900g.
Sữa Healtheries sản xuất tại NZ giá 390.000 đ/ hộp hộp 450g
Đối với các bé bị dị ứng đạm sữa bò, sữa dê là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời và giá trị
Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất, phù hợp nhất cho bé. Khi được bú mẹ sẽ không cần lo lắng gì về việc bé có dung nạp sữa hay dị ứng sữa hay không.
Khi trẻ lớn hơn một chút, ngoài sữa mẹ, trẻ cần ăn bổ sung và lúc này sữa công thức đóng vai trò quan trọng không thể thiếu. Tuy nhiên, một số trẻ em có thể gặp các vấn đề về dị ứng sữa bò (hoặc các sản phẩm từ sữa bò).
Trẻ không uống được sữa bò là do không dung nạp được đạm sữa và đường Lactose trong sữa. Biểu hiện là nổi mề đay, đau bụng, không tiêu hóa được, khóc, tiêu chảy, giảm cân… Lúc này bác sĩ sẽ kiểm tra xem trẻ dung nạp được chất gì trong sữa. Việc xử lý vấn đề này hiện vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam nhưng các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng nhi có thể đánh giá được.
Giải pháp cho bé là chuyển sang dùng các loại sữa khác với kết luận cơ thể không dung nạp được sữa hoặc dị ứng với sữa. Lúc này sữa dê là một trong những giải pháp được khuyến cáo bởi protein trong sữa dê chứa ít hoặc không có alpha – s1 – casein (có nhiều trong sữa bò và là nguyên nhân chính gây ra tình trạng dị ứng sữa).
Trong một nghiên cứu lâm sàng mở rộng đối với trẻ em Pháp dị ứng sữa bò, 93% trẻ em đã có kết quả tích cực khi sử dụng sữa dê và sữa dê đã được khuyến cáo như là một thực phẩm rất có giá trị về dinh dưỡng trẻ em, bởi vì sữa dê ít gây dị ứng và tiêu hóa tốt hơn sữa bò (Fabre, năm 1997; Reinert và Fabre,1997).
Trẻ dị ứng sữa do không dung nạp lactose – một loại đường chính trong sữa: Lactose cần được tiêu hóa nhờ men lactase thủy phân tại ruột non. Tuy nhiên, có thể do yếu tố di truyền hoặc tế bào màng ruột của trẻ không tiết đủ men lactase. Hoặc một số trẻ có thể gặp phải vấn đề này do các tổn thương tại ruột non, thường xuất hiện sau một đợt bị tiêu chảy nặng, hoặc bị bệnh phải hóa trị nên đường lactose không được tiêu hóa gây ra hiện tượng đầy bụng, chướng hơi, tiêu chảy…
Để cải thiện khả năng dung nạp Lactose phải tập bằng cách pha sữa loãng hơn so với hướng dẫn của nhà sản xuất; uống từng ít một, nên uống vào buổi chiều để cơ thể quen dần với việc dung nạp sữa và tăng dần lên khi cơ thể đã chấp nhận. Nếu cần thì nên chọn mua loại sữa có ít hoặc không có đường Lactose như sữa từ đậu nành, các loại sữa đã tách bỏ lactose. Sữa dê chứa ít lactose hơn, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu hơn. Hoặc sữa chua trong đó đường lactose đã bị các vi khuẩn lên men, chuyển hóa thành acid lactic.