Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ rất quan trọng, tuy nhiên, tiêm vào thời điểm nào đang là vấn đề gây tranh cãi, thậm chí trong đội ngũ các bác sĩ cũng chia thành nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Hiện nay theo lịch tiêm chủng quốc gia, trẻ được tiêm vắc xin phòng viêm gan B ngay sau khi sinh. Vậy có nên tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sớm như vậy không, tiêm muộn hơn có tác dụng hay không, có những biến chứng gì khi tiêm, mời các bậc phụ huynh tham khảo ý kiến từ các chuyên gia nhé.
Sự cần thiết của việc tiêm vắc-xin viêm gan B sau sinh
Theo khuyến cáo của các chuyên gia giáo dục sớm, việc tiêm vắc-xin viêm gan B ngay trong vòng 24h đầu sau sinh là rất cần thiết, bởi nếu tiêm sớm hiệu quả bảo vệ càng cao. Việc tiêm sớm càng có ý nghĩa hơn khi tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B tại Việt Nam khá cao, 10-20% dân số.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau khi sinh, thậm chí cả khi mẹ bị nhiễm virus, sẽ phòng được khoảng 85% nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ sơ sinh. Trong khi nếu mẹ có virus viêm gan B, thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị lây. Nhiễm virus viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan sau đó. Khi đó, việc điều trị không chỉ tốn kém, lâu dài mà cũng rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ.
Việc tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh cũng là khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). WHO đánh giá vắc-xin viêm gan B là một trong những vắc xin an toàn, không có chống chỉ định, có chống chỉ định, trẻ sinh non, sinh thiếu cân… cũng có thể tiêm được.
Có nên tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ ngay sau khi sinh?
Sau khi xảy ra sự cố 3 trẻ ở Quảng Trị tử vong sau tiêm vắc xin có nhiều ý kiến khác nhau về việc tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sau khi sinh, có ý kiến cho rằng để trẻ tròn 1 tháng tuổi, khi trẻ đã cứng cáp hơn, cha mẹ có thể tự đưa trẻ đi tiêm vắc xin viêm gan B mũi đầu tiên, có ý kiến cho rằng nên lùi thời gian tiêm mũi đầu tiên viêm gan B cho trẻ, không nhất thiết phải tiêm trong vòng 24h đầu sau sinh.
Trong khi có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều người dân đặc biệt là các là sản phụ thấy rất hoang mang và băn khoăn rằng có nên cho con tiêm gan B ngay sau khi sinh?
Tiến sĩ Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang (Bộ Y tế) cho biết, việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ là việc làm cần thiết bởi đã được nghiên cứu và Tổ chức Y tế thế giới đã thực hiện thành công ở nhiều nước trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo Việt Nam phải thực hiện đúng quy trình trong vòng24 giờ sau khi sinh, bởi tạo cho trẻ con hiệu quả miễn dịch cao.
Quá trình nghiên cứu, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới, người ta mới đưa ra khuyến cáo là nên tiêm cho các cháu trong vòng 24 giờ sau khi sinh.
Trong khi người dân hết sức hoang mang lo lắng bởi không biết có nên tiếp tục tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sau khi sinh hay không, tiêm ở đâu thì an toàn, PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ gặp tai biến sau tiêm chủng, các bậc phụ huynh trước khi đưa con đi tiêm chủng cần tìm hiểu kỹ để biết được lợi ích cũng như các tác dụng phụ và tai biến có thể xảy ra khi tiêm chủng. Thứ hai, cần biết lịch tiêm chủng để có thể cho trẻ đi tiêm chủng đúng thời hạn (tác dụng phòng bệnh đạt hiệu quả cao hơn) và các trường hợp trì hoãn hoặc không có chỉ định tiêm chủng. Thứ ba, khi cho trẻ đi tiêm chủng phải bảo đảm trẻ không có vấn đề gì về bệnh tật, sức khỏe (nếu có thì cần được tư vấn của bác sĩ trước khi tiêm phòng).
Cũng theo PGS.TS Phạm Nhật An, để phòng tai biến nguy hiểm có thể xảy ra sau tiêm chủng, tại các địa điểm tiêm chủng cần được trang bị các hộp chống sốc và trang thiết bị xử lý tai biến. Trẻ sau tiêm chủng cần được theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm các tai biến và điều trị kịp thời.
Theo ước tính của WHO, tỷ lệ tai biến sau tiêm là 1-2 trong một triệu liều, rất thấp trong khi các loại vắc-xin khác tỷ lệ có thể lên tới 2-5 trên triệu liều. Tiêm vắc xin viêm gan B có thể gây phản ứng thông thường như đau tại chỗ (3-9%), sốt trên 37,7 độ C và sốc phản vệ nhưng chỉ khoảng 1/600.000 liều.
Nhiều rủi ro khi tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ sau sinh
GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế quốc gia cho rằng, việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ sau sinh tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thưa giáo sư, việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh nhằm mục đích gì? Giáo sư cho rằng tiêm vắc xin cho trẻ trong 24 giờ sau sinh có những cái rủi ro, xin giáo sư phân tích thêm về những rủi ro này?
Việc tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh nhằm kiểm soát được 100% trẻ khi sinh ra được tiêm vắc xin này. Thứ nữa, người ta nghĩ rằng tiêm như thế giải quyết được trường hợp người mẹ có mang kháng nguyên của vi rút viêm gan B, khi đó tiêm nhằm âm tính hóa trường hợp cháu bé sinh ra từ những người mẹ viêm gan B. Tuy nhiên, không phải tất cả cháu bé bị truyền kháng nguyên sang lại phát triển thành viêm gan. Hơn nữa phải đảm bảo đầy đủ các mũi tiêm thì mới đạt được mục đích này.
Nếu tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh mới 1 – 2 ngày tuổi, khả năng thích ứng của đứa trẻ với môi trường bên ngoài chưa có. Bởi trước đó, em bé nằm trong bụng người mẹ, được bảo vệ tốt bởi nhiệt độ, nước ối xung quanh. Khi vừa ra khỏi môi trường an toàn đó, trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài (nếu nhà hộ sinh có nhiệt độ điều hòa thì tốt, nhưng ở những nơi không có điều kiện, vùng nông thôn, nhiệt độ lúc nắng nóng lên 39 – 40 độ), sự thích ứng của đứa trẻ khó khăn hơn, tiêm một kháng nguyên lạ vào cơ thể tăng nguy cơ phản ứng cho trẻ.
Tức là không nên tiêm vắc xin này trong vòng 24 giờ sau sinh, thưa giáo sư?
Quan điểm cá nhân của tôi, về mặt khoa học là với trẻ mới sinh 1 – 2 ngày chưa nên tiêm, Còn về chủ trương lớn, tôi không có ý kiến gì phản bác nhưng tôi vẫn không yên tâm với cách tổ chức tiêm sớm quá. Không phải bây giờ mới nói mà phát biểu cách đây cả chục năm nay.
Hiện tiêm trẻ sơ sinh chỉ có hai loại vắc xin phòng lao (BCG) và viêm gan B. Theo tôi, việc tiêm vắc xin lao ở tuổi sơ sinh là hoàn toàn đúng vì bệnh lao lây qua đường hô hấp, từ ô nhiễm không khí, môi trường, những người xung quanh trẻ. Nhưng vi rút viêm gan B không lây dễ dàng như vi khuẩn lao. Nên tôi chỉ ủng hộ tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ nhỏ sơ sinh (nhưng không nhất thiết phải tiêm ngay một vài ngày sau sinh), còn với vắc xin viêm gan B, về quan điểm cá nhân, tôi thấy chưa thuyết phục về mặt khoa học.
Thưa ông, vậy giải pháp hợp lý nhất là gì?
Theo tôi nên xem người mẹ có bị viêm gan B không đã. Nếu mẹ không mang vi rút viêm gan B thì trên phương diện bảo vệ của trẻ em, tôi nghĩ rằng không nên tiêm sớm quá.
Thưa ông, trên thế giới có nước nào khuyến cáo giống Việt Nam, tiêm vắc xin ngừa viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh?
Theo tôi hiểu, Tổ chức y tế thế giới (WHO) không bắt buộc mà chỉ khuyến cáo là có thể tiêm được.
Cá nhân tôi thì cho rằng, việc tiêm quá sớm là không nên, nhất là ở những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ không bị viêm gan B, tiêm quá sớm sau sinh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vắc xin viêm gan B được bảo quản ở nhiệt độ từ 0 – 10 độ C. Một em bé vừa lọt lòng mẹ, em bé chưa thích ứng được với môi trường mà lại tiêm vắc xin là chất lạ vào cơ thể, nhất là vắc xin vừa lấy trong tủ lạnh ra, cơ thể rất dễ phản ứng lại. Vì thế, khi tiêm bất cứ vắc xin nào, nên lấy ra, để ngoài một chút cho nhiệt độ tăng lên gần tương đương với nhiệt độ cơ thể. Điều này không ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin.
Những phản ứng phụ của trẻ có thể gặp khi tiêm phòng viêm gan B
Những phản ứng nào có thể xảy ra sau tiêm
Vaccin viêm gan B là vaccin tái tổ hợp, khi tiêm vaccin không đưa virut viêm gan B vào cơ thể, vì vậy trẻ được tiêm loại vaccin này trong 24 giờ sau sinh là an toàn. Sau khi tiêm có thể có các phản ứng thông thường như đau tại chỗ tiêm với tỷ lệ từ 3- 9%, sốt trên 37,7o C có tỷ lệ từ 0,4 đến 8%, sốc phản vệ là phản ứng hiếm gặp được ghi nhận với tỷ lệ ước tính là 1 trường hợp trên 600 nghìn đến 1 triệu liều vaccin. Theo thống kê của Tổng cục thống kê, tử vong sơ sinh chiếm 73% tổng số trẻ tử vong dưới 1 tuổi. Trong đó, tử vong trong 24 giờ đầu sau sinh chiếm gần một nửa (47%) số tử vong sơ sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong sơ sinh như đẻ non, ngạt, bệnh đường hô hấp, dị tật, nhiễm khuẩn, xuất huyết, vàng da… trùng hợp với thời điểm tiêm vaccin viêm gan B cho trẻ.
Cách phát hiện sớm phản ứng sau tiêm
Trước tiên, các bà mẹ cần được biết con mình đã được tiêm vaccin viêm gan B. Sau tiêm, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và dặn bà mẹ theo dõi ít nhất một ngày (24giờ) sau khi trẻ được tiêm. Sau khi tiêm, trẻ có thể quấy khóc hơn, các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và cho trẻ bú khi trẻ thức, không nên nằm cho bú. Sau tiêm trẻ có thể có phản ứng thông thường như sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc… nên các bà mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống nhiều nước, theo dõi trẻ. Nếu các phản ứng trên kéo dài hơn một ngày hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng hơn, như trẻ sốt cao hay có những biểu hiện khác thường (quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở, bú ít, bỏ bú…) thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.
Có phải tiêm kháng thể globulin miễn dịch cho con nếu mẹ nhiễm virut viêm gan B không?
Tiêm vaccin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh có thể phòng được hơn 90% việc lan truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả của việc chỉ sử dụng vaccin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh hay sử dụng vaccin viêm gan B cùng với HBIG là tương tự nhau.
Nếu tỷ lệ tiêm vaccin trong 24 giờ đầu sau sinh không được thực hiện tốt thì nguy cơ bùng phát bệnh viêm gan B trong cộng đồng ở thế hệ sắp tới là điều đã được báo trước. Do vậy, vì sức khỏe của trẻ và cộng đồng, trẻ cần được tiêm vaccin viêm gan B càng sớm càng tốt, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Khi tiêm vaccin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh, trẻ được tiêm miễn phí khi sinh tại bệnh viện tỉnh, huyện và các trạm y tế xã.