Trẻ sơ sinh rất cần được tắm nắng sau khi sinh khoảng 1 tuần để tổng hợp vitamin D. Nếu thiếu vitamin D trẻ sẽ bị còi xương, biếng ăn và hay quấy khóc đêm. Tuy nhiên, tắm nắng vào mùa hè và mùa đông khác nhau do đó các mẹ cần lưu ý để biết cách cho trẻ tắm nắng đúng cách.
Sau 10 ngày tuổi là bé sơ sinh có thể được tắm nắng. Bạn không nên tắm nắng cho bé trong thời gian từ 9h sáng đến 4h chiều, không tắm ở nơi lộng gió hay đằng sau cửa kính…
Tắm nắng sẽ giúp cơ thể tự sản xuất vitamin D, hay nói cách khác, vitamin D được tổng hợp khi tia cực tím của mặt trời chiếu vào da. 80% vitamin D được tổng hợp theo cách này, 20% còn lại có từ sữa mẹ và thức ăn (thịt, dầu cá thu, cá mòi, trứng, bơ, nấm, đậu…).
Vitamin D đóng vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể. Bởi nó là chất để hấp thu canxi và photpho. Nó tác động đến ống thận để tái hấp thu canxi, cũng như gắn canxi vào trong xương.
Thiếu vitamin D sẽ gây giảm hấp thu canxi. Hậu quả là làm giảm canxi trong máu khiến bé bị còi xương, biến dạng xương. Vì vậy đề phòng còi xương cho bé, các mẹ nên cho bé tắm nắng hằng ngày.
Tuy nhiên, bổ sung vitamin D không đúng cách cũng có thể dẫn tới thừa, gây mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau nhức xương khớp, thậm chí là tổn thương thận, tăng huyết áp và tử vong. Chính vì vậy, các mẹ cần lưu ý những điều sau để tắm nắng cho trẻ đúng cách nhất:
Tắm nắng cho trẻ đúng cách là như thế nào?
– Ba ngày đầu (giai đoạn chuẩn bị): Để lộ da trẻ, cho trẻ ở trong bóng râm ngày đầu 10 phút, ngày thứ hai: 20 phút, ngày thứ ba: 30 phút. Mùa đông có thể bỏ qua giai đoạn này.
– Giai đoạn tắm thực sự: Ngày thứ tư: cho trẻ ra tắm nắng, che mặt và mắt cho trẻ. Trẻ mặc quần áo để hở bàn chân và cổ chân. Tắm mặt trước thân 5 phút và mặt sau 5 phút.
Ngày thứ năm: kéo phần che lên đầu gối, mỗi ngày tăng 5 phút.
Những ngày sau: kéo phần che lên đùi, rồi bụng, ngực, tay. Thời gian tắm tối đa không quá 30 phút. Mỗi đợt tắm 15 ngày. Sau đó cho trẻ nghỉ 10 – 20 ngày rồi có thể cho tắm lặp lại như trên.
Thời điểm tắm nắng cho trẻ vào mùa hè
Thời điểm thích hợp để cho bé tắm nắng cho bé mùa hè là 6 – 8h sáng và sau 4h – 5h chiều. Sáng sớm là lúc tia hồng ngoại và tia cực tím phát ra từ mặt trời tương đối yếu nên có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể bé. Còn sau 4h – 5h chiều là khoảng thời gian thành phần X-quang trong tia cực tím nhiều, có thể giúp cơ thể hấp thu canxi, phốt pho, hỗ trợ sự phát triển của xương.
Khoảng thời gian từ giữa trưa đến 4h chiều tuyệt đối không nên cho bé ra nắng, bởi lúc này tia cực tím trong ánh nắng mặt trời trở nên mạnh nhất, rất dễ gây tổn thương cho da.
Thời điểm tắm nắng cho trẻ vào mùa đông
Thời điểm thích hợp để cho bé tắm nắng cho trẻ sơ sinh vào mùa đông là 7 – 9h sáng.
Trẻ có thể tắm nắng sau khi sinh 10 ngày
Sau khi sinh khoảng 10 ngày, trẻ bắt đầu có thể được tắm nắng. Với trẻ sơ sinh, không nhất thiết phải cho trẻ ra ngoài trời, bạn có thể cho bé tắm nắng buổi sớm bên cửa sổ nhưng cần mở cửa kính để hấp thụ tốt nhất tia tử ngoại.
Vào mùa lạnh, có thể tắm nắng cho bé từ 9 đến 10h sáng nhưng tốt nhất là khoảng 15 – 17h chiều vì buổi sáng lạnh, trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp.
Những lưu ý quan trọng khi cho trẻ sơ sinh tắm nắng vào mùa hè và mùa đông
– Tuyệt đối không để ánh nắng chiếu vào đầu, vào mặt, mắt trẻ khi tắm nắng.
– Với những trẻ đang điều trị các bệnh cấp tính, trẻ bị bệnh nội tiết: basedow, trẻ bị eczema, herpes, đang dùng kháng sinh nhóm Quinolon thì nhất thiết không được cho trẻ tắm nắng.
– Tránh tắm nắng cho trẻ nơi gió lộng. Cả mẹ và bé cùng tắm nắng để tạo cảm giác thân thương, gần gũi (nựng nịu, cho bé bú; đến thời điểm phát triển phù hợp, tập cho bé ngồi, đỡ tay cho bé đi, chơi đùa cùng bé…), giúp bé thích thú khi tắm nắng.
– Sau khi tắm nắng phải kịp thời lau khô mồ hôi, cho trẻ uống một chút nước bổ sung. Nếu là mùa hè, tốt nhất là tắm nước cho trẻ sau khi tắm nắng.
– Không nên phơi nắng qua cửa kính vì như thế nắng không tiếp xúc trực tiếp với da, sẽ không có tác dụng.
Kinh nghiệm tắm nắng mùa hè của mẹ bé Bi
Bé Bi nhà mình sinh vào mùa hè, nên việc tắm nắng dễ dàng hơn. Con về nhà, được khoảng 5 ngày tuổi là mình cho ra ắm nắng rồi. Mùa hè thì 6h30 đã có nắng, thường mình để 2 bố con bế nhau tắm nắng từ 7h kém tới 7h30, sau đó bố đi làm, con ở nhà với mẹ.
Cho bé nằm chỗ không bị gió lùa, nhưng có ánh nắng chiếu vào. Cởi đồ cho bé dần dần, từ chân lên đầu, nhưng giữ ấm thóp và ngực. có thể cho bé nằm úp mặt vào ngực bố, phơi nắng lưng. Sau đó thì mặc lại đồ cho bé (mặc vừa phải) để vừa phơi nắng tiếp vừa massage nhẹ nhàng…. trộm vía bé nhà mình da dẻ rất khỏe, nhìn không bị “cớm” như các cụ hay nói.
Nhưng bé tiếp theo sẽ sinh sau Tết, lúc đó mưa phùn, lại ít nắng, trời lại rét, mình đang lo, không biết làm thế nào. Mẹ nào có kinh nghiệm chỉ cho mình với nhé.
Kinh nghiệm cho con tắm nắng cực chuẩn vào mùa đông của mẹ bé Sóc giúp bé không thiếu vitamin D
Sóc nhà em 9 tháng đã biết đi là do mẹo nhỏ tắm nắng cực chuẩn mùa đông.
Bé Sóc nhà em đúng 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò và giờ 9 tháng con đã chạy vèo vèo quanh nhà. Nhiều người khen em nuôi con khéo. Thực ra, em cũng chỉ mới làm mẹ lần đầu, không có kinh nghiệm gì nhiều. Vậy nhưng vì muốn con được cứng cáp, cao lớn nên em rất chú trọng đến việc cho Sóc tắm nắng. Mùa đông, em thấy nhiều chị em phàn nàn rằng chẳng thể tắm nắng được cho con vì sợ bé lạnh, trời lại cũng chẳng có nắng mấy. Vậy nhưng thực ra nếu biết cách, ta vẫn có thể cho bé hấp thụ đủ vitamin D. Bằng chứng là Sóc nhà em sinh đúng vào tháng 1 đấy ạ.
Em xin chia sẻ với chị em chút kinh nghiệm của bản thân trong việc giúp con hấp thụ đủ vitamin D mùa đông để bé luôn cứng cáp và nhanh biết đi
Thời điểm và thời gian tắm nắng mùa đông
Sau khi sinh khoảng 10 ngày, trẻ bắt đầu có thể được tắm nắng. Với trẻ sơ sinh, không nhất thiết phải cho trẻ ra ngoài trời, mẹ có thể cho bé tắm nắng buổi sớm bên cửa sổ. Như với Sóc nhà em, đúng khoảng hơn 1 tuần sau sinh, nhận thấy có nắng đẹp là em bắt đầu cho con ra tắm nắng cạnh cửa sổ ngay. Tuy nhiên, chị em nên nhớ khi tắm nắng bên cửa sổ phải mở cửa ra nhé. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bị ngăn cách bởi một tấm kính, tỉ lệ tia cực tím giảm xuống 50%, ở vị trí cách cửa sổ 4m, tỉ lệ này giảm xuống còn 2% so với ngoài trời. Vì vậy, đứng trong nhà phơi nắng qua kính cửa sổ thực sự không có hiệu quả.
Về thời gian tắm nắng: Từ 6-9h sáng là lúc tia hồng ngoại và tia cực tím phát ra từ mặt trời tương đối yếu nên có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể bé. Còn sau 15h – 17h chiều là khoảng thời gian thành phần X-quang trong tia cực tím nhiều, có thể giúp cơ thể hấp thu canxi, phốt pho, hỗ trợ sự phát triển của xương. Trời mùa đông nắng lên chậm hơn mùa hè, thêm nữa sáng lạnh, trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp nên em đẩy thời gian tắm nắng cho Sóc từ 6h-9h theo lý thuyết thành khoảng 9h-10h sáng và thêm khoảng 10-15 phút buổi chiều theo khung từ 15h-17h.
Cách tắm nắng
Khi bắt đầu, em thường cho Sóc mặc quần áo như bình thường. Phơi nắng được một lúc, nếu cảm thấy nhiệt độ cơ thế con tăng lên, em mới dần dần cởi bớt áo quần cho bé. Làm như vậy sẽ khiến con quen dần với nhiệt độ mà không cảm thấy “sốc”. Em có đọc được thông tin rằng, trẻ sơ sinh hấp thụ vitamin D nhiều nhất qua phần lưng, xương sống. Vậy nên những ngày trời mùa đông không có điều kiện cởi hết áo quần bé như mùa hè, em chỉ cố gắng để con hở phần lưng và quay về hướng nắng chiếu. Thời gian phơi của em cũng thường chỉ kéo dài từ 10-15 phút. Hôm nào có nắng to mới tăng lên thành 20.
Nếu trẻ ít được tắm nắng cần bổ sung vitamin D đường uống
Mùa đông trẻ không hấp thụ được vitamin D tự nhiên nhiều như mùa hè nên em còn chú ý bổ sung cho Sóc vitamin D theo đường uống. Hiện nay, trên thị trường có hai loại vitamin D bổ sung cho trẻ là dạng nước và dạng viên. Đối với dạng nước, một ngày bé thường uống từ 1-3 giọt còn đối với dạng viên thì là 1 viên/ngày. Mẹ có thể tùy ý chọn loại vitamin D bổ sung phù hợp cho bé. Tuy nhiên, trước khi cho con uống, mẹ cũng nên lưu ý những điều sau: Vitamin D bổ sung sẽ được uống liên tục trong vòng 18 tháng hay uống 1 tháng nghỉ 1 tuần trong 18 tháng là tùy thuộc chỉ định của từng loại thuốc. Một số loại vitamin D đường uống khi uống trong thời gian dài có thể gây chán ăn ở trẻ, do vậy mẹ nên cân nhắc tham khảo ý kiến của bác sĩ và chỉ định của thuốc để tìm được loại thuốc và liều lượng phù hợp cho con.
Bổ sung vitamin D đường ăn
Tắm nắng sẽ giúp cơ thể tự sản xuất vitamin D. 80% vitamin D được tổng hợp theo cách này, 20% còn lại có từ sữa mẹ và thức ăn. Do vậy, khi Sóc đến tuổi ăn dặm, em cũng lưu ý bổ sung cho con những thực phẩm chứa nhiều vitamin D để bé được cứng cáp hơn.
Một số thực phẩm chứa nhiều vitamin D em hay cho Sóc ăn bao gồm:
Pho mát: Pho mát là một trong những sản phẩm làm từ sữa rất giàu vitamin D. Em bắt đầu cho Sóc ăn từ 1/2 đến 1/4 viên pho mát vào mỗi bát cháo bắt đầu từ tháng thứ 7.
Nấm: Ngoài việc chứa nhiều vitamin D, nấm còn có mui thơm và giúp ngọt nước. Do đó em hay mua nấm về nấu cùng các loại củ như su hào, cà rốt để làm nước nấu cháo cho Sóc.
Trứng: Không thể nghi ngờ lượng vitamin D và canxi rất phong phú trong trứng. Tuy nhiên vì trẻ sơ sinh rất dễ dị ứng với lòng trắng trứng. Do đó, em cho Sóc bắt đầu tập từ 1/2- 1.4 lòng đỏ trứng luộc nghiền vào cháo từ tháng thứ 6.
Cá hồi: cá hồi là một trong những nguồn vitamin D tự nhiên và các axít béo thiết yếu rất hiếm có. Ngoài việc lấy cá tươi để nấu cháo cho Sóc, em còn hay làm ruốc cá hồi bỏ vào cháo cho con, vừa ngon lại có thể bảo quản thịt cá được lâu.
Cam: Nước cam cũng là nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời cho trẻ. Tuy nhiên vì cam khá nhiều axit nên em cũng chỉ dám cho con uống nước cam những khi chọn được những quả cực tươi và đạt độ chín ngọt.
Hi vọng những kinh nghiệm của em sẽ giúp các mẹ tự tin hơn trong việc tắm nắng đúng cách cho bé.