Các bậc cha mẹ đã biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách để bé không bị bệnh chưa? Trời nóng dĩ nhiên phải bật quạt, nhưng có nên cho trẻ sơ sinh nằm quạt hay không, và ngủ võng có tác hại gì cho bé, mời các bậc cha tham khảo tư vấn từ các bác sĩ nhi khoa nhé.
Có nên cho trẻ sơ sinh nằm quạt?
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, với thời tiết nóng nực của mùa hè, cần đặc biệt lưu ý phòng viêm họng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Việc chênh lệch nhiệt độ quá dễ xảy ra viêm họng, thậm chí mùa hè dễ viêm họng hơn cả mùa đông.
Đó là vì thời tiết nóng làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên dễ gây viêm đường hô hấp, nếu nặng có thể gây viêm họng mủ, viêm amiđan mủ. Khi có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, chẳng hạn như: Uống nước quá lạnh khi đang nóng hay khi đang toát mồ hôi, vừa ở ngoài trời nóng về đã tắm nước lạnh, từ bên ngoài bước ngay vào phòng lạnh hoặc ngược lại…
Ngoài ra, một thói quen khiến các cháu rất dễ bị viêm họng là vừa đi ngoài trời hoặc hoạt động nhiều ra mồ hôi lại ra ngay trước quạt đứng.
Để phòng ngừa chứng viêm họng cho trẻ vào ngày hè, các bậc cha mẹ không nên để trẻ uống nước quá lạnh, hay ăn nhiều kem, đá. Thường xuyên nhắc nhở trẻ hãy rửa tay thường xuyên để loại trừ vi khuẩn gây hại. Việc rửa tay càng cần thiết và quan trọng hơn sau khi trẻ đi vệ sinh về.
Một lưu ý quan trọng khác là phải sử dụng máy điều hòa hợp lý. Các bác sĩ cho biết, bạn có thể dùng máy điều hòa nhiệt độ trong phòng của trẻ nhưng nên lưu ý cách sử dụng để không khiến trẻ bị viêm họng. Các cha mẹ không nên đặt trẻ nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp. Nhiệt độ lý tưởng trong phòng của trẻ nên được duy trì ở mức 24 – 26oC.
Tương tự như điều hòa, bạn không nên để quạt thốc trực tiếp vào vùng mặt của trẻ. Bạn có thể bật quạt hướng thẳng vào tường, phía chân của trẻ khi ngủ. Với cách này, hơi mát từ quạt có thể lan tỏa khắp phòng trong một thời gian ngắn mà vẫn đảm bảo mát mẻ cho trẻ.
Dùng quạt hơi nước, quạt phun sương có hại cho em bé, trẻ sơ sinh hay không?
Hỏi: Mùa hè thời tiết nóng quá, nhà tôi mới mua 1 cái quạt phun sương làm mát. Xin hỏi rằng nếu dùng quạt phun sương đối với trẻ sơ sinh mới 3 tháng tuổi thì có vấn đề gì không ạ? liệu cỏ ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp của bé không? Xin cám ơn!
Trả lời của bác sĩ chuyên khoa nhi:
Chào bạn, bạn không nên dùng quạt hơi nước cho trẻ sơ sinh, vì trẻ còn quá nhỏ, sức đề kháng yếu, và khi sử dụng loại quạt này phải dùng ở nơi thông thoáng không để trong phòng kín được, bạn có thể để phòng khách khi có đông người, trời rất nóng thì dùng cho người lớn thôi, Còn nếu dùng trong phòng ngủ thì bạn không nên dùng cho con nhỏ. Dễ gây ảnh hưởng tới đường hô hấp của trẻ.
Có nên cho trẻ sơ sinh nằm võng hay không?
Người Việt vẫn thường có thói quen cho bé ngủ võng. Nhưng liệu nằm võng ngủ có thực sự an toàn cho bé?
Ngoài việc ảnh hưởng tới cột sống của bé, với loại lưới có mắt, không ít trường hợp bé nằm ngủ võng, tay bị thắt lại, gây hoại tử bởi mắt lưỡi ở võng.
Cho trẻ sơ sinh nằm võng: hại nhiều hơn lợi
Trước tiên, nếu bé có thói quen ngủ võng sẽ làm khổ bố mẹ. Nếu đi đâu không có võng, bé không chịu ngủ và rất quấy bố mẹ.
Trên thực tế, khi người lớn đưa võng cho bé ngủ, độ lắc mạnh khiến bé mệt, dễ đi vào giấc ngủ. Đây là giấc ngủ ép buộc, chứ không phải giấc ngủ tự nhiên cho bé, không tốt cho sự phát triển của bé. Nhiều mẹ có kinh nghiệm chia sẻ rằng nếu từ nhỏ, bé ngủ võng, lớn lên bé dễ bị say tàu xe và không tốt cho sự phát triển cột sống của bé.
Nếu bé dưới 1,5 tuổi, mẹ không nên cho bé nằm võng vì dễ bị so vai. Mà nằm võng đã đành, nhưng nhiều bé lại cứ bắt bố mẹ phải đung đưa võng thì bé mới chịu ngủ, không khóc. Mẹ bé Khoai kể lại: “Hồi Khoai còn bé mình đến khổ vì thói quen nằm võng của nó, hầu như tháng đầu tiên đêm nào cũng phải ôm nằm võng mới ngủ. Cứ ngủ phải đưa võng cho con. Đến bé thứ hai, mình tự hứa không bao giờ cho con nằm võng”.
Nằm ngủ võng còn có rất nhiều nguy hiểm. Với loại lưới có mắt, không ít trường hợp bé nằm ngủ võng, tay bị thắt lại, gây hoại tử bởi mắt lưỡi ở võng, bé rơi ra khỏi võng lúc nào không biết. Một em bé đã bị chết vì ngủ võng do dây chuyền bạc mà mọi người hay đeo cho em bé để tránh gió ấy cuốn vào võng làm em bé bị tắc thở.
Với loại võng lưới vải, rất bí cho bé và bé không thể vận động tay chân tư do khi muốn thay đổi tư thế. Nhiều khi bố mẹ cho con nằm trên võng ngủ quên, để con bị rất nhiều muỗi cắn.
Nếu mẹ vẫn muốn cho con nằm võng
Mẹ chỉ nên cho bé ngủ võng vào những giấc ngắn ban ngày. Nếu để bé ngủ ở đó cả đêm thì không tốt cho bé. Nằm võng khiến bé bị mỏi, tư thế nằm không thoải mái, không thuận lợi cho sự phát triển thể chất của bé.
Để bé đỡ bị cong lưng và so vai, mẹ có thể mua một cái chiếu lót xuống võng hoặc bà/mẹ nằm võng, cho bé nằm trên người. Như thế, cột sống của bé sẽ phát triển tốt hơn.
Nhiều mẹ cho rằng, thay vì cho con nằm võng, mẹ nên cho con nằm ở xe đẩy để lưng thẳng. Phần chắn hai bên xe giúp bé cảm thấy an toàn không giật mình, khi bé ngủ hơi ngọ nguậy thì mẹ đang làm việc khác chỉ cần thò chân ra đẩy đi đẩy lại một chút giúp bé ngủ lại. Mẹ sang buồng nào thì kéo xe bé theo để tiện trông coi.
Nhiều gia đình kể cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, đều có thói quen cho trẻ con ngủ võng. Các mẹ phải thật khéo léo thuyết phục người lớn.
Nếu bé đã quen đu đưa rồi thì có thể mua nôi tự động đu đưa cho bé nằm cũng được.
Giấc ngủ với bé rất quan trọng. Bố mẹ nên tạo cho con một tư thế ngủ thật thoải mái.. tốt nhất bạn nên cho trẻ nằm trên giường, dang chân dang tay cho thoải mái.
Những lưu ý đặc biệt quan trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh
1. Cần bảo vệ đầu, cổ của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có xương sống rất yếu và dễ gãy vì chưa phát triển đủ. Vì vậy cần phải cẩn thận khi đỡ đầu và cổ cho bé. Khi bế bé bạn phải luồn một tay dưới cổ để đỡ lấy đầu bé. Còn tay kia luồn dưới lưng và mông bé để đỡ phần thân dưới một cách chắc chắn.
Khi đặt bé nằm xuống, bạn cũng phải nhớ giữ đầu bé. Đưa cánh tay đỡ lấy xương sống, cổ và đầu bé. Cũng có thể dùng khăn choàng quấn bé hơi chặt một chút để đầu bé được nâng giữ cho đến khi bạn đặt bé vào nôi hoặc vào giường, lúc đó bạn mới nhẹ nhàng cởi khăn quấn ra.
2. Không được lắc bé
Khi bạn muốn bé thức giấc, không bao giờ được lắc bé. Nếu bị lắc, hộp sọ của bé sẽ bị tổn thương. Các mạch máu bị rách, chảy máu và gây thương tổn trong não không thể chữa được và dẫn đến tử vong. Cách tốt nhất là không bao giờ được lắc bé kể cả khi vui đùa hay trong bất kỳ trường hợp nào.
3. Không tung hứng bé
Không được chơi với em bé sơ sinh như bạn đang tung hứng một quả bóng trong không khí. Ở trẻ sơ sinh, kích thước đầu và trọng lượng chiếm khoảng 1-4 so với toàn cơ thể. Trong đầu, có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục lớn và phát triển.
Não của trẻ khá mềm với màng não mỏng. Khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hay xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát được.
Khi bị rung lắc, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não, khi não không có sự di chuyển đồng bộ và gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ, làm dập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não. Các tĩnh mạch lớn dọc theo phía ngoài não cũng mỏng manh và dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ.