HomeDinh dưỡng cho trẻ

Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn và các mẹo giúp bé thích ăn trở lại

Like Tweet Pin it Share Share Email

Trẻ biếng ăn là nỗi lo của hầu hết các bà mẹ. Vậy nguyên nhân do đâu và làm cách nào để trẻ hết biếng ăn, mời các bạn tham khảo nghiên cứu, và tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em.

Tôi xin liệt kê ra đây các lỗi lớn nhất mà tôi nghĩ không chỉ có tôi mà cũng rất nhiều bà mẹ Việt đang mắc phải trong chuyện chăm sóc bữa ăn cho bé yêu, hi vọng sẽ hữu ích đối với các mẹ:

1. Mẹ không làm gương cho trẻ

Thói quen ăn uống và một phần khẩu vị của trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều khẩu vị của cha mẹ cũng như nề nếp của gia đình. Chính vì thế mà điều đầu tiên mẹ có thể làm để giúp trẻ có một chế độ ăn uống lành mạnh đó chính là người lớn cũng phải làm những việc tương tự, ít nhất là trước mặt trẻ. Nếu bạn ghét ăn thịt, bạn muốn giảm cân, chồng bạn lại ghét ăn rau, chỉ ưa đồ xào rán..vậy làm sao các chị em lại có thể ‘ôm mộng’ hi vọng con mình sẽ ăn uống khoa học?

Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến khích các gia đình ngoài việc xây dựng các loại thực đơn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe còn phải tạo một môi trường ăn uống vui vẻ, hạnh phúc để trẻ em cùng tham gia. Những biểu hiện như: ăn kiêng, ăn quá nhiều, không ăn rau hay đơn giản là để trẻ ăn một tôi cũng mang đến những tác động xấu về mặt tâm lý khiến trẻ dễ mắc phải các vấn đề ăn uống.

nguyên nhân trẻ biếng ăn 1

2. Đừng đổi chác hay treo thưởng cho miếng ăn của con

Con trai tôi đã từng rất ghét ăn rau. Lo con không đủ chất dinh dưỡng, tôi đã nghĩ phải làm mọi cách để con chịu ăn rau mới thôi. Mỗi lần đến bữa ăn, tôi đều nói với con rằng: “Con ăn rau ngoan rồi lát mẹ cho kẹo”. Sau này tôi mới biết việc trao đổi như vậy sẽ không làm thay đổi khẩu vị của con mà thậm chí còn khiến con có suy nghĩ rằng kẹo còn có giá trị hơn so với thịt và rau.

3. Ép trẻ ăn

Trước đây tôi suy nghĩ rất đơn giản: trẻ cứ ăn được càng nhiều thì càng tốt và làm mọi cách để con trai tôi phải ăn nhiều nhất có thể. Đôi khi tôi đã bỏ qua cảm giác no của con và cứ ép để con ăn hết bát bột mới thôi. Nhưng thực sự điều này không chỉ làm trái với các nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng hợp lý của trẻ (dễ khiến trẻ bị quá tải) mà còn tạo ra một áp lực tâm lý khiến trẻ sợ ăn.

Tôi rất tâm đắc một câu nói của Ellyn Satter – chuyên gia về dinh dưỡng hàng đầu cho trẻ nhỏ rằng: “Cha mẹ chỉ có thể là người chế biến và trình bày món ăn, còn quyền quyết định ăn bao nhiêu và cho dù là không ăn đi chăng nữa sẽ thuộc về trẻ em”.

4. Không kiên trì tập cho trẻ ăn món mới

Tôi cũng đã từng chấp nhận giải pháp an toàn là thôi thì cứ con trai mình thích ăn món gì thì chế biến món đó cho con, còn hơn là kỳ công nấu nướng rồi con lại chỉ thử một miếng rồi nhất định lắc đầu. Tuy nhiên, tôi đã sai hoàn toàn.

Tại sao rất nhiều trẻ em chỉ ăn một vài món sở trường và nhất quyết không chịu thử bất cứ món ăn lạ nào? Một nguyên nhân quan trọng là do mẹ đã không kiên trì tập cho trẻ làm quen với đa dạng món ăn.

Lời khuyên của tôi trong trường hợp này là các mẹ phải thật sự kiên trì, bởi để trẻ thích tập ăn một loại thực phẩm mới không phải là ngày một ngày hai. Những lần đầu, mẹ đừng ép trẻ ăn quá nhiều mà hãy để trẻ ăn theo nhu cầu, lặp lại vào những ngày gần kề với số lượng tăng dần.

5. Chiều theo khẩu vị của từng thành viên trong gia đình

Việc các mẹ thường xuyên chế biến các món ăn theo khẩu vị riêng của từng người trong gia đình là một điều không nên. Điều này không chỉ khiến hạn chế về vấn đề đa dạng dinh dưỡng mà còn tạo một thói quen không tốt đối với trẻ là học theo người lớn, chỉ ăn những món mà chúng thích.

6. Quá nguyên tắc trong cách ăn của trẻ

Thời gian trước, khi cho con trai ăn, tôi rất ghét con lấy tay bốc thức ăn hoặc làm vương đồ ăn ra ngoài hoặc ăn uống không gọn gàng, mà không biết rằng, hương vị của món ăn không phải là điều duy nhất đối với trẻ. Với tính cách thích khám phá thì đồ ăn cũng có thể trở thành một đối tượng để trẻ mày mò trước khi ăn chúng.

Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, các em bé được tự mình ăn theo cách mà chúng muốn (mặc dù sẽ làm cho chiếc bánh quy vỡ vụn hoặc quả chuối hơi nát) nhưng hứng thú ăn của các bé cao hơn rất nhiều so với trẻ được mẹ yêu cầu ăn theo đúng khuôn phép.

Vì thế mà, bây giờ mặc dù con gái thứ của tôi mới có một tuổi rưỡi thôi nhưng tôi đã để con tự xúc ăn và tập ăn dặm theo phương pháp BLW từ tấm bé. Tất nhiên, sau mỗi bữa ăn thì tay, miệng rồi chỗ ngồi của con đều vương vãi thức ăn, nhưng tôi cảm nhận được rằng bữa ăn là thời gian con rất chờ đợi.

7. Chuẩn bị khẩu phần ăn quá nhiều

Đôi khi chúng ta quên mất rằng trẻ nhỏ thường thích thú và phù hợp với những thứ nhỏ xinh. Nếu mẹ lấy ra trước mặt trẻ quá nhiều đồ ăn sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ và lo lắng vì chúng sẽ phải ăn hết chừng đó đồ ăn. Thay vì một lần, mẹ có thể chia ra làm nhiều lần, trẻ ăn hết lại lấy thêm. Điều này còn giúp đồ ăn giữ được hương vị ngon hơn nữa đấy.

8. Lo lắng quá mức

Ngay cả khi việc ăn uống của trẻ không như mong muốn của cha mẹ thì nó cũng không đồng nghĩa với việc trẻ không đủ chất hay phát triển không bình thường. Thực tế thì nhiều bà mẹ với tâm lý lúc nào cũng muốn trẻ ăn thật nhiều, ăn thật đủ chất để có cơ hội phát triển tầm vóc và trí tuệ một cách tốt nhất, nên đã thường xuyên đặt tôi tâm lý lo lắng rằng việc ăn uống của con tôi như vậy vẫn là chưa hợp lý. Lời khuyên dành cho các mẹ đó là, điều quan trọng nhất đó là: nếu trẻ đang phát triển một cách bình thường thì có nghĩa rằng chế độ ăn hiện tại vẫn đang đáp ứng được những yêu cầu của cơ thể trẻ. Và đối với trẻ em, việc phát triển thể chất của trẻ liên quan đến chế độ dinh dưỡng của cả một giai đoạn chứ không phải là những bữa ăn ngày một ngày hai.

nguyên nhân trẻ biếng ăn 2

Trẻ biếng ăn: Tất cả là tại mẹ

Chỉ vì mong muốn con mập mạp hơn, nhiều mẹ phạm sai lầm ngớ ngẩn là ép con ăn.

Ăn là một nhu cầu cấp thiết đối với bất cứ ai. Ăn không chỉ giúp con người tồn tại mà thông qua ăn uống người ta tìm thấy sự khoái cảm và thỏa mãn. Ăn hay gọi là thưởng thức món ăn là một chủ đề hấp dẫn, vì cơ thể con người muốn tồn tại cần phải có dưỡng chất được lấy từ thực phẩm (sữa, cháo,cơm, thịt, cá…). Khi đói, con người cảm thấy hẫng hụt, thèm muốn, do đó hoạt động ăn làm thỏa mãn cơn đói và bù đắp sự hẫng hụt cơ thể.

Trẻ em cũng vậy, hầu hết trẻ em sinh ra về bản năng đều tìm đến vú mẹ, khi trẻ (lớn lên) biết ăn thì mùi vị của món ăn (về bản năng) tự động gây ra thích thú. Tuy nhiên ngày nay có một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em thành thị không có cảm giác thèm ăn, không muốn ăn bất cứ thứ gì, bữa ăn là một cực hình đối với trẻ và cha mẹ phải đánh vật với trẻ vào mỗi bữa ăn. Với trẻ ăn uống là một điều sợ hãi, còn cha mẹ thì lo lắng và bực bội.

Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề này, tuy nhiên điều phải lưu ý là sự kỳ vọng của cha mẹ làm sao giúp trẻ có một thân hình mập mạp. Để làm được điều này cha mẹ đi tư vấn bác sỹ dinh dưỡng muốn có một thực đơn khoa học, đủ chất và đầy đủ calo (ngày trẻ phải ăn bao nhiêu gram thị, cá, rau dền, cà rốt,cam…), ăn giờ nào trong ngày và ngày ăn mấy bữa…

Khi các bậc cha mẹ quá tin vào bác sĩ thì sẽ không tin trẻ (vì chưa chắc trẻ đã thích thực đơn bác sỹ cung cấp) và chình mình (về bản năng người mẹ có thể nhận ra trẻ thích gì và không thích gì, trẻ ăn được bao nhiêu là đủ…). Chế độ ăn này được lặp đi lặp lại hàng ngày và như vậy diễn ra sự mâu thuẫn giữa sở thích của trẻ và mong muốn của bác sĩ. Nếu cha mẹ là người triệt để tuân theo khoa học sẽ theo chỉ dẫn của bác sĩ và bỏ qua phản ứng của trẻ và tiếng gọi bản năng từ người mẹ. Như vậy, ép trẻ ăn là một điều tất yếu.

Khi ép ăn mà trẻ không muốn sẽ tạo ra một cảm giác bực bội ở cha mẹ, sự nóng vội (do suy nghĩ sợ con gầy yếu) khiến cha mẹ căng thẳng và tiếp tục ép ăn nghiêm khắc hơn. Hiện tượng này diễn ra hàng ngày có thể dẫn trẻ tới cảm giác ám sợ ăn. Đồng thời trong quá trình ép ăn, nét mặt căng thẳng của mẹ làm trẻ mất an toàn cộng với sự sợ hãi của trẻ sẽ làm mất đi cảm giác thèm ăn (vì không ai thèm (thích) ăn khi đang sợ hãi). Một cái vòng luẩn quẩn được tạo ra: ép trẻ ăn mà trẻ không ăn sẽ làm cha mẹ bực bội căng thẳng, cha mẹ thấy trẻ không muốn ăn sợ trẻ ốm yếu hơn và càng ép trẻ nhiều hơn, nét mặt căng thẳng của cha me và sư sợ hãi của trẻ trước/trong mỗi bữa ăn làm cho trẻ không có cảm giác thèm ăn.

Khi tuân theo công thức của bác sĩ, các bà mẹ không quan tâm đến con mình thích món ăn gì, trẻ ăn bao nhiêu là đủ và khi nào trẻ muốn ăn. Điều này sẽ đẩy tình trạng căng thẳng giữa cha mẹ và con cái ngày càng tăng cao.

Trẻ biếng ăn còn xảy ra khi có nhưng bậc cha mẹ quá tốt, họ đọc trước các ý nghĩ của con, họ cho trẻ ăn trước khi trẻ có cảm giác thèm ăn – cho trẻ ăn trong khi trẻ chưa có ham muốn được ăn. Cách cho ăn này lặp đi lặp lại vô tinh đã tước đi cảm giác thèm ăn của trẻ. Lâu ngày không được giải quyết trẻ sẽ rơi vào tình trạng biếng ăn tâm lý.

Trẻ biếng ăn có thể được nuôi dạy trong một gia đình có nhiều mâu thuẫn, cả ngày cha mẹ đi làm và thường mâu thuẫn xảy ra khi gặp nhau vào bữa ăn. Bầu không khí gia đình căng thẳng khiến trẻ bất an. Trẻ không thể ăn ngon trong bầu không khí gia đình như vây.

Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn tiếp theo có thể là do trẻ sử dụng biếng ăn là điều kiện muốn cha mẹ quan tâm đến trẻ hơn (vì trẻ ít được quan tâm chăm sóc do cha mẹ quá bận bịu với công việc, kiếm tiền). Trẻ nhận thấy mỗi khi không ăn cha mẹ sẽ để ý đến trẻ hơn và sử dụng vấn đề này làm điều kiện với cha mẹ.

Nếu trẻ biếng ăn do nguyên nhân đến từ cha mẹ, thì những người lớn đã vô tình tước đi cảm giác thèm ăn – một nhu cầu căn bản và cấp bách của trẻ, lấy đi quyền được hưởng sung sướng của các em. Để giải quyết tốt mối quan hệ mẹ con trong ăn uống và giúp trẻ trọn vẹn thỏa mãn, trước hết các bậc cha mẹ nên lắng nghe sự mách bảo từ bản năng của mình xem trẻ thích ăn gì, trẻ không thích gì, ăn bao nhiêu là đủ, ăn khi nào. Còn các chỉ dẫn mang tình khoa học hay thực đơn hướng dẫn của bác sĩ nên chỉ dùng để tham khảo, định hướng cho cảm nhận bản năng của người mẹ.

nguyên nhân trẻ biếng ăn 3

Các mẹo giúp trẻ hết biếng ăn bằng món mới vị quen

Những rắc rối xung quanh việc ăn uống, chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ quả thật là một vấn đề khiến không ít bà mẹ đau đầu. Từ chuyện cho con ăn món gì, chọn thực phẩm và cách chế biến ra sao, đến việc dỗ bé ăn thôi cũng đòi hỏi ở mẹ rất nhiều công sức.

Đối với bản thân mình, giai đoạn Na dưới 3 tuổi, mình thật sự rất vất vả với “khoản” ăn uống của con. Na đặc biệt kén ăn, chỉ ăn các món ăn quen thuộc mà con thích và sẽ lắc đầu nguầy nguậy với bất kể món ăn hay loại trái cây nào nhìn lạ mắt hay có vị khác. Lo lắng con không đủ chất dinh dưỡng và sẽ giữ mãi thói quen kén chọn thức ăn cho đến khi trưởng thành, mình quyết định lập chiến lược để thay đổi thói quen ăn uống này của Na. Và dưới đây là 5 bước quan trọng, mình xin chia sẻ cùng các mẹ, để giúp các bé ‘kén cá chọn canh’ chịu ăn ngoan, ăn khỏe hơn.

1. Không dừng lại ở một cách chế biến món ăn

Mình thấy có nhiều mẹ muốn đổi món cho con nhưng chỉ sau một đến hai lần đầu con không thích và không ăn là mẹ xóa luôn tên loại thực phẩm đó trong thực đơn của con. Như vậy thật sự không nên! Mình vẫn nhớ, lần đầu tiên mình cho Na thử món cà rốt luộc, nhìn thấy màu đỏ của cà rốt mình đã thấy con ngại ngùng không muốn ăn. Mẹ dỗ mãi thì Na cũng để mẹ đút cho một miếng, nhưng vừa nhai con lại nhả ra ngay. Biết con không thích ăn cà rốt luộc, lần sau mình thái nhỏ và ninh nhuyễn cùng với cháo. Sau vài lần quen vị cà rốt trong cháo, mình quay lại với món cà rốt luộc và Na đã ăn được ngon lành.

Kinh nghiệm cho các mẹ là đừng dừng lại ở một cách chế biến, nếu không thành công với cách luộc thì chuyển qua món chiên, xào hoặc xay nhuyễn… cho đến khi bé chịu thử mới thôi.

2. Lặp lại các món ăn mới thường xuyên

Nếu hôm nay mẹ cho bé ăn thử món cháo có thành phần cà rốt ninh nhuyễn thì 2 – 3 ngày sau mẹ lại nhắc lại thành phần này trong cháo. Nếu mẹ để một thời gian lâu sau mới nhắc lại món cà rốt thì coi như công sức của những lần đầu đã đổ xuống sông xuống bể vì món cà rốt bây giờ là món hoàn toàn mới và mẹ lại phải cho bé thử lại từ đầu.

Thông thường có thể mất đến 7 lần hoặc hơn nữa để một em bé kén ăn chấp nhận một món ăn mới và thấy thích món ăn đó. Vì thế các mẹ nhớ lặp lại các món ăn mới thường xuyên để bé yêu chấp nhận mới thôi nhé.

3. Sáng tạo để tăng sự hấp dẫn của các món ăn mới

Các mẹ nên dành nhiều công trong việc chế biến và trang trí các món ăn lạ để hấp dẫn bé yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Trái cây thì mẹ có thể cắt hình hoa, bánh thì mẹ có thể nặn hình con vật, rau xanh thì mẹ có thể sắp xếp đẹp mắt (ví dụ như miếng súp lơ xanh mẹ đặt đứng lên giống một cái cây,…). Hoặc mẹ tạo hứng thú cho bé bằng cách thay đổi cách ăn thông thường, ví dụ: với món phô mai, thay vì để con cắn từng miếng, mẹ hãy thử cắt thành từng miếng nhỏ ra đĩa để trẻ dùng tăm và xiên bỏ vào miệng. Như vậy thì tự các món ăn sẽ có sự hấp dẫn đặc biệt với bé và hiệu quả cũng vượt trên sự mong đợi của mẹ nữa đấy.

4. Ăn món mới vì có gia vị quen

Các mẹ chắc đang thắc mắc “ăn món mới với gia vị quen” là như thế nào đúng không? Chiêu này rất đơn giản mà cũng không kém phần hiệu quả. Na nhà mình đặc biệt thích xốt mai-o-ne (mayonnaise). Nắm bắt được sở thích này của con, mỗi bữa ăn mình đều chuẩn bị hôm thì một đĩa rau tươi, hôm thì rau luộc để Na chấm với xốt mai-o-ne. Na thường không quan tâm lắm đến món ăn gì mà chỉ rất thích thú chấm chúng với món xốt yêu thích. Chính vì thế mà câu chuyện ăn rau xanh của Na trở nên rất đơn giản.

5. Cho con thử món ăn của mẹ

Bạn có thấy là khi ép trẻ ăn thì phản ứng thông thường là con sẽ từ chối. Nhưng để trẻ tự nguyện thì hiệu quả sẽ cao hơn. Nếu mẹ có dự định cho bé thử một món lạ thì có thể bắt đầu bằng việc chế biến món ăn đó cho cả gia đình. Hãy cho bé thử một vài miếng nhỏ trong đĩa thức ăn của bạn đến khi trẻ đồng ý để mẹ lấy riêng vào bát cho trẻ thì có nghĩa là bạn đã thành công rồi đấy.

Các cách mà mình vừa nêu ra không hề khó đúng không các mẹ. Các mẹ chỉ cần dành ra một chút thời gian và tăng thêm một chút khéo léo là các bé yêu sẽ sớm làm quen và dễ dàng chấp nhận tất cả các loại thực phẩm. Chúc các mẹ thành công!

Share on Facebook0Pin on Pinterest0Share on Google+0

Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *