HomeChăm sóc trẻ sơ sinh

Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh, 1 tuổi, 2 tuổi theo chuẩn của WHO

Like Tweet Pin it Share Share Email

Bạn có quan tâm lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh của WHO (Tổ chức y tế thế giới)? WHO đã ban hành lịch tiêm phòng chuẩn cho trẻ sơ sinh, trẻ 1 tuổi, trẻ 2 tuổi. Các bác sĩ nhi khoa khuyên các bậc phụ huynh nên tuân thủ theo lịch tiêm của WHO để trẻ có được sức đề kháng tốt nhất đối với các loại bệnh. Mời các bậc cha mẹ tham khảo lịch tiêm phòng và những lưu ý đặc biệt quan trọng để chăm sóc tốt trẻ sau tiêm phòng.

Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh (tiêm càng sớm càng tốt sau khi sinh):
+ Lao : tiêm 1 mũi, tiêm ở vai trái
+ Viêm gan B mũi 1 (tốt nhất là 24h sau sinh), mũi này thường được tiêm trong bệnh viện sau khi bé vừa sinh.

Tiêm phòng cho trẻ 2 tháng tuổi: 6 in 1 hoặc 5 trong 1 (6 in 1 có thêm ngừa bại liệt); tiêu chảy Rota

Tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi: 5 in 1 + bại liệt – mũi 2 (hoặc 6 in 1 lần 2). 1 năm sau nhắc lại mũi 4 và 8 năm sau nhắc lại mũi 5 viêm gan B.

Tiêm phòng cho trẻ 4 tháng tuổi: 5 in 1 + bại liệt – mũi 3 (hoặc 6 in 1 lần 3). Một năm sau nhắc lại mũi 4

Tiêm phòng cho trẻ 6 tháng tuổi: cúm ( Tiêm lần đầu tiên: trẻ 6 – 36 tháng tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, trẻ trên 36 tháng tiêm 1 mũi, nhắc lại hàng năm)

Tiêm phòng cho trẻ 9 tháng tuổi: mũi 1 sởi, quai bị rubella (cái này có vacxin phối hợp 3 in 1 nhé nên chỉ tiêm 1 mũi thôi), mũi 2 tiêm sau 6 tháng, nhắc lại sau 4 năm.

Tiêm phòng cho trẻ 12 tháng tuổi:
+ Thủy đậu: Với vacxin Okavav của Pháp thì tiêm 1 mũi. Với vacxin Varilrix của Bỉ thì từ 12 tháng – 12 tuổi tiêm 1 mũi, trên 12 tuổi tiêm 2 mũi cách nhau 6 -8 tuần.
+ Viêm não Nhật Bản: Tiêm 2 mũi đầu cách nhau 1 – 2 tuần, mũi 3 sau 1 năm và cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần đến khi 15 tuổi.
+ Viêm gan A: Tiêm 2 mũi cách nhau 6 tháng nếu là vacxin Pháp, hoặc cách 1 năm nếu là vacxin Thụy Sỹ

Tiêm phòng cho trẻ 24 tháng tuổi:
+ Viêm màng não do mô cầu: Tiêm 1 mũi, cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần
+ Phế cầu khuẩn: Tiêm 1 mũi, cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần
+ Thương hàn: Tiêm 1 mũi, cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần

tiêm chủng cho trẻ sơ sinh 1

Một vài câu hỏi thường gặp trong việc tiêm phòng an toàn cho trẻ

Hiện nay, các bậc phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc tiêm chủng ngừa cho trẻ. Chắc chắn rằng bậc phụ huynh nào cũng đã tham khảo rất kỹ về các lịch tiêm chủng ngừa cho trẻ, theo độ tuổi, sức khỏe, … Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số mối lo ngại và lúng túng của phụ huynh về những thông tin ngoài lề về việc chích ngừa cho trẻ. Dưới đây là một số thắc mắc về việc tiêm chủng ngừa cho trẻ khá phổ biến hiện nay.

Câu hỏi: Con tôi đang bị bệnh, có chích ngừa được không?

Trả lời: Có, thông thường, trẻ em có thể được chích ngừa ngay cả khi trẻ có một bệnh nhẹ như đau tai, cảm lạnh, sốt nhẹ, hoặc tiêu chảy.

Nếu bác sĩ khám và nói rằng con bạn có thể chích ngừa được thì bạn có thể yên tâm cho trẻ chích ngừa. Mặt khác, nếu con bạn đi khám vì một bệnh nào đó, mà bệnh đó không nghiêm trọng hoặc đó là lúc bệnh đang giai đoạn hồi phục, bác sĩ có thể đề nghị chích ngừa cho bé những vaccine còn thiếu.

Câu hỏi: Khoảng cách giữa 2 lần chích ngừa là bao lâu? Nếu trễ 1 mũi thì sao?

Trả lời: Không có khoảng thời gian tối thiểu giữa các liều vắc-xin bất hoạt khác nhau. (Vắc-xin bất hoạt như: vắc-xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, Hib, viêm gan A, B, não mô cầu, viêm não Nhật Bản B…)

– Tuy nhiên, có khoảng thời gian tối thiểu giữa các vắc-xin cùng loại. Ví dụ: 2 mũi viêm gan A cách nhau ít nhất 6 tháng. Viêm não Nhật Bản B, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tuần, mũi thứ ba cách mũi thứ nhất 1 tháng hoặc 1 năm đều được.

Vắc-xin sống như Sởi-Quai bị-Rubella, Trái rạ, Lao, Bại liệt uống (OPV) nếu không được chủng ngừa cùng lúc thì phải cách nhau ít nhất 4 tuần.

Bất cứ trình tự thời gian giữa các vắc-xin sống và vắc-xin bất hoạt, hoặc vắc-xin sống đường uống và bất cứ loại vắc-xin khác, đều chấp nhận được.

Nếu chích ngừa trễ, không cần phải bắt đầu lại từ đầu, chích mũi bị trễ và tiếp tục các mũi theo lịch. Nói cách khác, chỉ áp dụng khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 mũi cùng loại mà không cần tính thời gian tối đa.

Câu hỏi: Trẻ không rõ đã mắc bệnh, hay không rõ chích ngừa bệnh đó hay chưa, nếu chích ngừa lại, thì có hại gì không?

Trả lời: Không có hại.
Ví dụ: Nếu không rõ đã mắc bệnh thủy đậu hoặc chích ngừa thủy đậu hay chưa, thì nên Chích ngừa!
Đối với một số bệnh, chích ngừa được chỉ định ngay cả khi người đã có bệnh, ví dụ: trẻ em <2 tuổi nhiễm Hib (nhiễm trùng không gây miễn dịch hiệu quả). Thuốc chủng ngừa cúm nên chích mỗi năm cho dù trẻ có mắc bệnh cúm trong quá khứ. Ngoại lệ: Polysaccharide phế cầu khuẩn và BH-UV-HG, các phản ứng phụ nhiều hơn khi liều lượng ngày càng tăng, ví dụ những mũi vắc-xin BH-UV-HG sau dễ tạo một cục sưng ở chỗ chích hơn mũi đầu. Câu hỏi: Trẻ chích ngừa viêm gan A mũi 1 của công ty GSK, giờ chích mũi 2 mà hết thuốc, có chích thuốc của công ty khác được không?

Trả lời là: Được.

Vắc xin của các nhà sản xuất khác nhau có thể được hoán đổi cho nhau.

Vacxin 5 trong 1 và vacxin 6 trong 1 loại nào tốt hơn?

Chào bác sĩ,

Em rất cảm ơn vì đã sớm nhận được câu trả lời của BS.

BS cho em hỏi. Em đã chích cho bé như sau:

Lần 1 khi bé được 2,5 tháng, chích mũi 6 trong 1 (Infanx hexa) về bé không bị sốt (chích dịch vụ tại Trung tâm Y tế).

Lần 2 khi bé được 3,5 tháng, chích mũi 5 trong 1 và uống bại liệt (tại Trạm Y tế phường). Về nhà bé bị sốt khoảng 10 tiếng, có khi trên 38 độ.

Vậy lần 3 khi bé được 4,5 tháng, em nên cho bé chích mũi 6 trong 1 hay mũi 5 trong 1 kèm uống ngừa bại liệt? Chích mũi nào thì tốt hơn ạ?

Em tính chích cho bé mũi 6 trong 1 để bé đỡ sốt nhưng nhân viên Trung tâm Y tế nói chích xen kẽ không tốt.

Rất mong nhận được trả lời của BS. Xin chân thành cảm ơn BS!

Trả lời của bác sĩ nhi khoa:

Chào em,

Vacxin 6 trong 1 bao gồm 6 thành phần là bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzase (Hib) đặc biệt là viêm màng não mủ trong một mũi tiêm.

Vacxin 5 trong 1 là vaccine tổng hợp phòng 5 bệnh gây nguy hiểm cho trẻ gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzase (Hib) đặc biệt là viêm màng não mủ trong một mũi tiêm.

Như BS đã trình bày, vacxin 6 trong 1 khác với vacxin 5 trong 1 là:

– Vacxin 6 trong 1 có 6 bệnh.

– Bé chỉ cần tiêm một mũi là đủ 6 bệnh.

– Không phải uống thêm một liều vacxin ngừa bại liệt như khi dùng vacxin 5 trong 1.

– Điều đặc biệt nữa là vacxin 6 trong 1 em phải đóng tiền.

Trường hợp của con em, em có thể cho bé tiêm ngừa vacxin 6 trong 1 hoặc vacxin 5 trong 1 và uống thêm một liều vacxin ngừa bại liệt đều được, tùy theo em cân nhắc túi tiền của em. Hiện chưa có nghiên cứu vacxin nào là tốt hơn em ạ.

Chỉ có sự so sánh vacxin tổng hợp này có nhiều ưu điểm hơn các loại vacxin tiêm từng mũi một trước đây:

– Giảm số mũi tiêm cho em bé (từ 9 mũi xuống còn 3 mũi), giảm đau đớn cho bé yêu.

– Tiết kiệm thời gian đi lại cho các bậc cha mẹ.

– Thành phần ho gà trong vacxin 6 trong 1 là loại vô bào nên an toàn, ít sốt và ít tác dụng phụ hơn các loại vacxin có thành phần ho gà là loại toàn tế bào.

Chúc bé yêu của em luôn khỏe mạnh!

tiêm chủng cho trẻ sơ sinh 2

Những điều cần biết về việc chích ngừa cho trẻ em

Cho đến nay, nhiều bà mẹ đã thấy rõ lợi ích to lớn của việc tiêm phòng cho trẻ, và đã tích cực đưa trẻ đi tiêm phòng. Tuy nhiên, vẫn còn 1 số bạn chưa hiểu rõ điều này. Chúng tôi đã gặp không ít bà mẹ đã tỏ ra ngần ngại khi được động viên đưa trẻ đi tiêm phòng. Một số bà mẹ thoái thác: “Cháu đi tiêm phòng mấy lần về đều bị phản ứng, phát sốt lên, cả nhà sợ lắm, thôi xin BS miễn cho cháu kỳ này”, hoặc có bà mẹ từ chối hẳn: “gia đình chúng tôi thật không dám cho cháu đi chích ngừa lao nữa, vì trước đây anh cháu đi chích về đã bị sưng hạch ở nách, phải chữa hàng tháng mới khỏi…” hoặc “cháu uống thuốc ngừa bại liệt song thì bị tiêu chảy ngay, nên lần này không dám cho cháu đi uống nữa”…

Xem xét các trường hợp trên, chúng tôi đã thấy rằng hầu hết các trẻ đó đều không có chống chỉ định trong tiêm phòng, nghĩa là vẫn có thể tiêm phòng trong an toàn. Có những ngần ngại hoặc những từ chối trên kia, chỉ là do bà mẹ chưa hiểu hết đầy đủ về việc tiêm phòng thôi.

Tác giả viết bài này với mục đích trình bày để các bà mẹ hiểu rõ 2 điều: những phản ứng không mong muốn của việc tiêm phòng và những chống chỉ định trong tiêm phòng; để các bà mẹ yên tâm, tích cực cho trẻ đi tiêm phòng và hiểu rõ hơn những trường hợp nào thì cần tránh tiêm phòng.

1. Những phản ứng không mong muốn của việc tiêm phòng:

Tiêm phòng là một biện pháp thực tế nhất, hiệu quả nhất để phòng bệnh: điều đó chắc mọi chúng ta đều rõ. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, trong 1 số trường hợp, có thể xảy ra phản ứng ở trẻ. Những phản ứng này, thầy thuốc không mong muốn có, gia đình lại càng không mong muốn có, cho nên được gọi là những phản ứng không mong muốn. Vậy những phản ứng đó ra sao? Có nguy hại cho trẻ không? Có làm mất tác dụng phòng bệnh của thuốc không? Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng vấn đề trên đây.

Phản ứng tại chỗ: Phản ứng này luôn xảy ra sau khi tiêm phòng. Một số trẻ cảm thấy đau nơi tiêm, cảm giác đau đó thường kéo dài từ 1 vài giờ đến 1 ngày, có thể làm các trẻ nhỏ quấy khóc. Một số trẻ khác lại thấy nổi cục lên ở nơi tiêm. Cục này thường nhỏ bằng hạt đậu, có khi viêm tấy đỏ, và có thể tồn tại tới 2-3 tuần mới tiêu tan. Cũng có trẻ lại bị mẩn ngứa xung quanh nơi tiêm, có thể kéo dài từ 3 tới 6 ngày. Những phản ứng này có thể xảy ra trong 5-10% số các trẻ tiêm phòng và thường là tự khỏi.

Phản ứng toàn thân: ở đây, sốt là chứng hay gặp nhất. Sau khi tiêm phòng 1 vài giờ hoặc 1 ngày, một số trẻ có thể bị sốt: sốt thường nhẹ, nhưng cũng đôi khi sốt cao (trên 39o), kèm theo tình trạng vật vã, quấy khóc, những trẻ lớn có thể kêu nhức đầu. Chứng sốt này hay thấy hơn cả trong các trường hợp tiêm phòng bệnh thương hàn, tiêm phòng bệnh ho gà. Cũng có trường hợp, sau khi tiêm phòng sau tới 5-12 ngày, trẻ mới bị sốt: thông thường chứng sốt muộân này xảy ra sau khi tiêm phòng bệnh sởi, đôi khi tiêm phòng bệnh quai bị. Tuy nhiên, tất cả các chứng sốt nói trên đều khỏi trong 1-2 ngày, và thường là tự khỏi. Chỉ có một số ít trường hợp sốt cao mới cần dùng đến thuốc hạ nhiệt (Paracetamol). Chúng tôi chưa hề gặp một tai biến nào nguy hiểm trong các trường hợp sốt sau tiêm phòng nói trên.

Phản ứng ngoài da: Ban mề đay, ngứa toàn thân, đôi khi có thể xảy ra ở một số trẻ có tiền sử hay bị dị ứng, và có thể tồn tại từ 3 đến 6 ngày. Ngoài ra, tình trạng phát ban (ban đỏ, gần giống như ban sởi, nhưng nhẹ hơn) có thể xảy ra 2-10% trẻ tiêm phòng bệnh sởi hoặc bệnh rubêôn. Ban này thường xuất hiện trong khoảng từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 12 sau khi tiêm phòng, có thể kèm theo sốt nhẹ, và thường tự khỏi không cần dùng thuốc. Chỉ có một số trường hợp ban mề đay, nếu gây khó chịu nhiều cho trẻ, thì có thể dùng thêm 1 số thuốc chống dị ứng (Sirop Phenergan, Sirop Promethazine…).

Tai biến thần kinh: Đây mới là các tai biến đáng quan tâm hơn cả. Một số ít trẻ sau khi tiêm phòng bệnh ho gà, có thể bị co giật (làm kinh) đôi khi kèm theo sốt cao. Các cơn co giật này có thể xảy ra trong khoảng từ 30 phút đến 3 ngày sau khi tiêm phòng. Phần lớn các trẻ này, qua điều tra, đã thấy có tiền sử có những cơn làm kinh từ trước khi tiêm phòng ho gà. Tỷ lệ các trẻ làm kinh là khoảng 0,6%, nghĩa là trong 1.000 trẻ em tiêm phòng ho gà, thì có khoảng 6 trẻ có thể lên cơn co giật (hầu hết đã có tiền sử có những cơn làm kinh trước đó). Đại đa số trường hợp nói trên đều qua khỏi; chúng tôi chưa gặp 1 trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng trong số các trẻ nói trên. Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng việc tiêm phòng ho gà cho những trẻ đã có tiền sử có những cơn làm kinh trước đây, và cũng có thể miễn cho các trẻ này. Nếu xét thấy không thật sự cần thiết. Ở một số quốc gia, tình trạng này được coi là 1 “chống chỉ định” cho việc tiêm phòng ho gà.

Đặc biệt, một số ít trường hợp bệnh não có thể xảy ra, cũng ở những trẻ tiêm phòng ho gà mà đã có tiền sử có những cơn làm kinh trước đó. Những trẻ này thường nhỏ tuổi (dưới 6 tháng), sau khi tiêm có thể bị hôn mê, co giật, nôn ói… và có thể để lại di chứng sau này. Tuy nhiên, số trẻ bị bệnh não này rất hiếm: theo 1 công trình nghiên cứu quốc tế, thì chỉ chiếm 1 phần triệu số trẻ tiêm phòng nói trên. Đối với những trẻ này, dĩ nhiên nên cho miễn việc chích ngừa ho gà.

Hội chứng “rên la kéo dài”: Một số trẻ, thường ở lứa tuổi 3-6 tháng sau tiêm phòng khoảng 6-10 giờ, bổng phát ra những tiếng rên, có khi la hét to lên. Sự rên la này có thể xảy ra ở khoảng dưới 3% số trẻ tiêm phòng. Những tình trạng này có thể tự khỏi, nhưng nhiều khi thầy thuốc buộc phải dùng thuốc an thần để làm yên trẻ, và để gia đình an tâm. Tác giả đã có trường hợp phải dùng thuốc ngủ (Gerdenal) cho 1 trẻ la hét quá dữ. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp nói trên – chỉ do ảnh hưởng của thuốc tới thần kinh của trẻ – đều qua khỏi không gây biến chứng gì.

Viêm hạch: Ở một số trẻ nhỏ, sau khi tiêm thuốc phòng lao (BCG) có thể thấy nổi hạch ở nách, bên phía mới tiêm phòng: trẻ đã có hiện tượng “viêm hạch nách do tiêm phòng lao”. Viêm hạch này có thể xuất hiện sau khi tiêm phòng khoảng 3 đến 5 tuần, và có 2 loại: viêm hạch đơn thuần và viêm hạch hóa mủ.
Viêm hạch đơn thuần, là hạch nổi sưng to lên thường to bằng hạt đậu phộng (hột lạc), sờ vào hơi cứng, nhưng không có mủ ở trong, và thường sưng kéo dài khoảng 1 tháng rồi tự khỏi. Theo 1 thống kê quốc tế, thì tình trạng viêm hạch đơn thuần này có thể xảy ra ở khoảng 6-12% số trẻ tiêm phòng lao, và thường không gây khó chịu gì cho trẻ.

Loại viêm hạch hóa mủ gây phiền phức hơn: hạch sưng tấy lên, to dần, có khi bằng 1 quả chanh, ấn vào thấy lũng nhũng vì mủ ở trong. Hạch này có thể tự vỡ, mủ chảy ra, rồi sau khi được rửa sạch hàng ngày, sẽ khỏi dần. Tuy nhiên, cũng có 1 số trường hợp phải can thiệp bằng phẫu thuật: mổ ra, nạo mủ, rồi băng lại. Dĩ nhiên, cũng phải rửa sạch hàng ngày. Loại viêm hạch hóa mủ này có thể xảy ra ở khoảng 0,1-4,3% trẻ tiêm phòng lao, theo 1 thống kê quốc tế.

Thông thường, ở những trẻ có viêm hạch như kể trên, tình trạng toàn thân vẫn tốt, trẻ không sốt, và vẫn có thể tăng cân đều đặn như mọi trẻ bình thường khác.

Chứng viêm hạch nói trên – tuy được coi là một phản ứng đặc biệt của việc tiêm phòng lao – nhưng cũng đôi khi, rất hiếm, có thể xảy ra sau tiêm phòng thuốc khác, như sau khi tiêm phòng bệnh sởi hoặc bệnh rubêôn.
Nói chung, các hiện tượng viêm hạch kể trên đều không gây nguy hiểm gì cho trẻ và đều qua khỏi sau 1 thời gian. Điều đáng ghi nhớ, là các hiện tượng đó không hề làm giảm tác dụng phòng bệnh của việc tiêm phòng.

2. Những chống chỉ định của tiêm phòng:

Mặc dù việc tiêm phòng đôi khi có thể gây ra những “phản ứng không mong muốn” như đã nói trên, nhưng vẫn cần được khuyến khích, vì ích lợi to lớn của nó: phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Tuy nhiên, cũng có một trường hợp không nên tiêm phòng: đó là những trẻ đang ở trong tình trạng mà việc tiêm phòng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm. Những trường hợp này được coi là “chống chỉ định” của việc tiêm phòng.

Những trường hợp “chống chỉ định” đó gồm có:

Chống chỉ định tạm thời:

Trẻ đang sốt.
Trẻ đang mắc 1 bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi v.v…).
Trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, còn đang trong thời kỳ hồi sức.
Đang bị viêm da mủ (bệnh ngoài da, có mủ), hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma).

Chống chỉ định lâu dài

Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi tiến triển, tràn dịch (có nước) màng phổi…, nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính v.v…).

Một số chống chỉ định đặc biệt

Đối với tiêm phòng lao: nên tránh cho các trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân; các trẻ đang bị bệnh cấp tính; các trẻ đang bị bệnh ngoài da lan rộng, đang tiến triển.

Đối với tiêm phòng sởi: nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh bạch cầu (1 dạng ung thư máu), các trẻ đang bị suy dinh dưỡng rất trầm trọng, các trẻ đang phải chữa bệnh bằng các loại thuốc corticoid (như “đề xa”: dexamethasone, v.v…).
Đối với tiêm phòng thương hàn: nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh ở thận, đang bị tiểu đường, hoặc đang trong 1 tình trạng có hiện tượng dị ứng trầm trọng (như đang trong thời kỳ có cơn suyễn phế quản, v.v…).

Tại sao lại có những trường hợp “chống chỉ định” như trên? Là vì – nói đơn giản – sau nhiều năm nghiên cứu, đã thấy việc tiêm phòng, trong các trường hợp đó có thể gây ra những tai biến đáng tiếc.

Để kết luận, có thể ghi nhớ như sau: việc tiêm phòng cho trẻ luôn luôn là cần thiết, vì những lợi ích to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ, những phản ứng tạm thời của 1 số trường hợp không gây nguy hại cho trẻ, và cũng không làm giảm tác dụng phòng bệnh của việc tiêm phòng. Chỉ duy có 1 số trường hợp cần tránh tiêm phòng – trong 1 thời gian – thì cần ghi nhớ. Do đó, trước khi cho trẻ tiêm phòng, bà mẹ nên báo cho nhân viên tiêm phòng biết về tình trạng sức khỏe trước đây và hiện nay của trẻ, để nhân viên y tế cân nhắc trước khi tiêm phòng và có thể hoãn lại ngày tiêm nếu cần thiết. Có thể tốt hơn nữa, nên hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi đưa trẻ đến nơi tiêm phòng.

tiêm chủng cho trẻ sơ sinh 3

Sốc phản vệ và những lưu ý quan trọng khi cho bé đi tiêm phòng

Việc tiêm phòng vacxin cho mọi người, đặc biệt cho trẻ nhỏ là một hành động vô cùng quan trọng, tiêm phòng là biện pháp vừa rẻ tiền lại vừa giúp cơ thể khỏe mạnh, chúng có tác dụng phòng bệnh và bảo vệ cho những người có thể mắc bệnh. Ai cũng biết phòng bệnh hơn chữa bệnh, tuy nhiên sau vụ ba trẻ tử vong sau khi tiêm vacxin tại Quảng Trị đã khiến rất nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Mặc dù nguyên nhân mấu chốt còn chưa rõ thế nào, song có rất nhiều ý kiến của chuyên gia đưa ra, họ cho rằng đây là dấu hiệu trẻ bị sốc phản vệ sau khi tiêm vacxin.

Vậy sốc phản vệ là gì?

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng đặc biệt nghiêm trọng có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng trẻ. Nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bé nhạy cảm quá mức với một chất gây dị ứng mà bé tiếp xúc, được tiêm vào người.

Khi hiện tượng này xảy ra, toàn bộ cơ thể của bé sẽ bị ảnh hưởng, thường sẽ kéo dài trong vòng vài phút. Khi hệ thống miễn dịch của bé tiếp xúc với các chất gây dị ứng, cơ thể bé sẽ kích thích sản xuất một chất có tên là histamine và các hóa chất khác với số lượng lớn. Điều này khiến cơ thể của bé bị sốc, hiện tượng này gồm nhiều triệu chứng và đôi khi đe dọa đến tính mạng trẻ.

Nguyên nhân phổ biến nhất của sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh và trẻ em là qua thực phẩm , chẳng hạn như bé ăn đậu phộng , các loại hạt khác, sữa, cá, động vật có vỏ hoặc trứng; và qua thuốc như thuốc kháng sinh, ong bắp cày đốt, cao su… Số ít mới bị sốc phản vệ khi tiêm phòng và trường hợp của 3 bé ở Quảng Trị rơi vào thiểu số này.

Triệu chứng

Khó thở, thở khò khè hoặc thở nặng

Mạch nhanh.

Đổ mồ hôi

Chóng mặt, ngất xỉu hoặc bất tỉnh ngay tại chỗ

Buồn nôn, nôn mửa , đau bụng và tiêu chảy dữ dội

Da biến sắc, xanh xao, nhợt nhạt

Các chuyên gia y tế nhận định tuy sốc phản vệ dẫn tới nguy cơ tử vong là không cao song cha mẹ đặc biệt lưu ý cảnh giác bởi nếu trẻ bị sốc phản vệ nặng thì rất nguy hiểm.

Làm gì nếu con bị sốc phản vệ?

Nếu con bị sốc phản vệ, bạn càng hành động nhanh bao nhiêu, con càng khỏi nhanh, giảm thiểu những ảnh hưởng tới sức khỏe của con. Nếu không xử lý kịp thời, trong một vài trường hợp không may trẻ dễ gặp nguy hiểm tới tính mạng.

Bạn hãy đưa con tới ngay bệnh viện nếu thấy con khó thở, dễ bị kích thích hoặc hôn mê sâu. Cố gắng giữ bình tĩnh bé bằng cách nói chuyện với bé liên tục. Nếu sốc phản vệ được điều trị kịp thời, hầu hết trẻ em phục hồi hoàn toàn và không có biến chứng lâu dài .

Bé cần đặt nằm nghiêng trái và các chuyên gia y tế sẽ tiến hành cho bé thở oxy, truyền thuốc qua đường tĩnh mạch và làm vài thủ thuật cơ bản để giúp bé khôi phục lại trạng thái bình thường. Bé sẽ cần ở lại cơ sở y tế trong ít nhất 24 giờ đồng hồ để các bác sĩ theo dõi và thăm khám một cách cẩn thận nhất. Tại bệnh viện, bé sẽ được làm các xét nghiệm để biết chính xác nguyên nhân xảy ra dị ứng, hiện tượng sốc phản vệ này là do đâu.

Thêm những lưu ý khi cho bé đi tiêm phòng

Khi đưa con tới cơ sở y tế tiêm chủng, cha mẹ cho bé ăn mặc thật đơn giản, tránh rườm rà, ủ ấm nhiều tầng lớp để giúp các chuyên gia thao tác nhanh, chính xác. Trước khi tiêm, không cho bé ăn, bú sữa quá no, cũng không để bé quá đói dẫn tới tình trạng kiệt sức, hạ huyết áp sau khi tiêm.

Sau khi bé được tiêm vacxin, cha mẹ cần theo dõi bé để biết chắc chắn con vẫn khỏe mạnh, không gặp vấn đề gì, thông thường nên quan sát con khoảng 30 phút vì bình thường nếu con bị sốc, tai biến thì sau khi tiêm khoảng 7 – 10 phút là bé sẽ có những biểu hiện bất thường.

Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử đã bị sốc phản vệ phải được tư vấn và hướng dẫn để có thể nhận biết được các dấu hiệu sớm của sốc phản vệ và có những biện pháp can thiệp kịp thời.

Đối với trẻ em đã có hiện tượng sốc phản vệ nhẹ với lần tiêm đầu thì những lần tiêm tiếp theo, cha mẹ cần thông báo điều này với các chuyên gia y tế để đưa ra một phác đồ tiêm hợp lý, hiệu quả, an toàn cho bé.

Bậc phụ huynh nên đưa con tới bệnh viện lớn để tiêm, tại đây dưới sự theo dõi cẩn thận của các bác sĩ, bé sẽ dễ dàng được xử lý sớm nếu gặp lại hiện tượng này.

Tuyệt đối không đưa bé ốm sốt, bé vừa khỏi bệnh đi tiêm, cha mẹ cần cho bé hoãn tiêm để hồi sức, khi nào bé hoàn toàn khỏe mạnh, cha mẹ hãy nên cho bé đi tiêm.

Về nhà, bậc phụ huynh nên tiếp tục theo dõi con, chườm mát vết tiêm sau khi bé tiêm, cho bé uống nhiều nước lọc, bú mẹ nhiều hơn.

Đến ngay bệnh viện, sở y tế nếu bé có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Share on Facebook0Pin on Pinterest0Share on Google+0

Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *