Phô mai là nguồn dinh dưỡng giàu chất béo và năng lượng, do đó mẹ hãy tích cực cho bé ăn phô mai nhé. Để an toàn vệ sinh thực phẩm, mẹ hãy tự tay làm món phô mai tươi cho bé từ sữa tươi, sữa chua theo hướng dẫn chi tiết sau đây.
Phô mai là nguồn dinh dưỡng dồi dào giúp cung cấp lượng chất béo, canxi và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Hiện nay ở thị trường có rất nhiều loại phô mai với nhiều mức giá. Tuy nhiên, phô mai đóng viên nhiều nơi bảo quản không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, nên có khi hạn sử dụng còn dài mà bên trong đã bị mốc khiến những bà mẹ chúng ta vô cùng lo lắng. Mặt khác, cách làm phô mai tươi thì lại không phức tạp chút nào, vậy mẹ còn chần chừ gì mà không vào bếp cùng mẹ Sò để làm cho bé những cốc phô mai thơm ngon béo ngậy!
Nguyên liệu làm phô mai tươi cho bé:
1 lít sữa tươi không đường
1 hộp sữa chua không đường (để làm men)
Đồ dùng chuẩn bị
Khăn xô 5 lớp
Nồi cơm điện/cặp lồng giữ nhiệt
Cách làm phô mai tươi cho bé:
Bước 1: Mẹ khuấy đều hộp men sữa chua không đường cho đến khi men thật lỏng.
Bước 2: Đun sữa nóng để nguội còn 50 độ, sau đó mẹ cho men vào khuấy đều. Đổ hỗn hợp vào bát.
Bước 3: Cho hỗn hợp vào nồi cơm điện nhưng không cắm điện hoặc vào cặp lồng đậy kín để men chua và tiếp tục ủ trong 5 tiếng.
Sau khi quan sát thấy sữa đông, mẹ dùng đũa gỗ khía thành nhiều rãnh nhỏ.
Bước 4: Sau 15 phút, mẹ lấy bát đựng hỗn hợp ra và ngâm vào nồi nước sôi trong 20 phút để thúc đẩy quá trình tách nước.
Bước 5: Đổ hỗn hợp ra khăn xô rồi bóp vắt lấy hết nước. Sau khi nước đã được vắt bỏ hết, mẹ sẽ thu được phần còn lại chính là phô mai tươi.
Sản phẩm thu được mẹ bảo quản trong hộp kín và cất vào tủ lạnh cho bé ăn trong vòng 3 ngày.
Mình cũng xin mách các mẹ cách sử dụng phô mai cho bé trong các bữa ăn hàng ngày như sau:
Nấu chung phô mai với bột/cháo của bé: Khi bột/cháo chín, mẹ tắt bếp, bắc xoong xuống, để nguội khoảng 80 độ C rồi cho lượng phô mai phù hợp với bé vào dầm tan. Đây là cách tốt nhất giữ cho phô mai không bị biến chất và mất chất.
Để cho bé thêm thích thú với món phô mai tươi, mẹ có thể trộn chung sữa chua để tăng vị béo ngậy, hoặc xắt nhỏ hay nghiền các loại hoa quả như xoài, bơ, chuối cũng sẽ rất thơm ngon.
Giá trị dinh dưỡng của phô mai tươi đối với bé 6, 7, 8 tháng tuổi
Phô-mai là thực phẩm thuộc nhóm giàu chất đạm. Sau đây là giá trị dinh dưỡng của phô-mai và một số thực phẩm cùng nhóm:
Phô-mai rất giàu chất đạm, rất tốt cho trẻ 6 tháng tuổi
Phô-mai có lượng đạm rất cao (25%), nên cũng như thịt, cá, trứng…phô-mai là nguồn cung cấp chất đạm cho khẩu phần ăn. Các bà mẹ có thể nấu một chén bột (hoặc cháo) cho trẻ với thực phẩm giàu đạm là phô-mai (1 miếng phô mai 15g cho một chén bột hoặc 1 chén cháo).
Phô-mai rất giàu canxi, thích hợp cho trẻ 7, 8 tháng tuổi ăn dặm
Lượng canxi có trong phô-mai nhiều hơn 100 lần so với các loại thịt (100g phô-mai có 760mg canxi, 100g thịt heo có 7mg canxi). Vì vậy, nó là nguồn bổ sung canxi rất tốt. Một chén bột có chứa phô-mai cung cấp 124 mg canxi, bằng 1/3 nhu cầu canxi cho trẻ từ 6 – 11 tháng. (Nhu cầu khuyến nghị của Bộ Y tế về canxi cho lứa tuổi này là 400 mg/ngày).
Phô-mai giàu chất béo và năng lượng
So với các thực phẩm cùng nhóm, phô-mai có lượng chất béo nhiều hơn gấp 3 lần, vì vậy năng lượng cung cấp cũng nhiều hơn gấp đôi (100g phô-mai có 30.9g chất béo và cung cấp 380 Kcal, 100g thịt heo có 7g chất béo và cung cấp 139 Kcal). Một miếng phô-mai (hình tam giác) nặng trung bình 15gr có giá trị dinh dưỡng tương đương với 100 ml sữa tươi.
Vì vậy:
– Không nên cho bé “ăn chơi” phô-mai trước bữa ăn, bé sẽ no và bỏ bữa ăn chính.
– Dùng một miếng phô-mai và 1 trái chuối làm bữa ăn phụ thì rất tốt.
– Phô-mai ăn với bánh mì kèm thêm ít trái cây là một bữa ăn sáng hợp lý.
Phô-mai giàu Cholesterol và rất ít chất sắt
Có người cho rằng phô-mai là “thực phẩm triệu phú”, vì nó rất “giàu”: giàu chất đạm, giàu chất béo, giàu năng lượng, giàu canxi… nhưng không phải khi nào “giàu” cũng tốt! Nó còn giàu cả Cholesterol, không có lợi cho sức khỏe. Phô-mai còn rất nghèo chất sắt. Vì vậy, cho trẻ ăn liên tục, ép trẻ ăn pho-mai hằng ngày cũng không phải là tốt.
Lưu ý khi cho bé ăn Phô mai
– Chỉ ăn Phô mai không sẽ không đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Vì thế, nên cho con ăn Phô mai như một bữa phụ, hoặc kết hợp với các sản phẩm khác như: phết vào bánh mì, trộn vào bột, cháo… để vừa bổ sung thêm năng lượng, vừa có các vitamin, chất khoáng từ nguồn thực phẩm khác trong bát cháo.
– Ăn Phô mai thường khiến bé đầy bụng nên các mẹ hạn chế việc cho bé ăn lúc trước khi đi ngủ.
– Khi mẹ mới tập cho bé ăn Phô mai, nên tập cho bé ăn lúc bé đói, sẽ dễ dàng hơn.
– Giúp bé “mê” Phô mai hơn, nếu cho Phô mai vào bột/cháo của bé hàng ngày, mẹ hãy chọn những thực phẩm phù hợp như: khoai tây, cà rốt, thịt bò, gà, tôm. Không nên cho Phô mai nấu chung với thực phẩm như: cua, lươn, rau mồng tơi, rau dền.
– Lượng đạm trong Phô mai rất cao. Nếu nấu Phô mai chung với thịt, cá, trứng, mẹ cần điều chỉnh lượng phù hợp tùy với thể trạng từng bé (tránh trường hợp bị nhiều đạm, thừa đạm). Lúc nào bé không chịu ăn thịt, cá, mẹ chỉ cần cho bé ăn 2 viên Phô mai là đủ chất. Mẹ chỉ nên cho bé ăn theo lượng tham khảo:
Từ 5-6 tháng: 13g/lần
Từ 7-8 tháng: 20-24g/lần
Từ 9-11 tháng: 24g/lần
Từ 12-18 tháng: 24-29g/lần
– Phô mai có thể được dự trữ trong ngăn mát của tủ lạnh. Không nên dùng túi nilon để bọc những viên phômai đang ăn dở vì chất béo trong phômai có thể dính vào những hóa chất độc hại có trong túi nilon.
Khi mẹ mới tập cho bé ăn Phô mai, nên tập cho bé ăn lúc bé đói, sẽ dễ dàng hơn.