HomePhương pháp ăn dặm

Hướng dẫn tập cho bé ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy BLW đúng cách

Like Tweet Pin it Share Share Email

Nhiều mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho con không thành công đã chuyển qua tập cho con ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy BLW và nhận ra rằng bé rất thích. Trẻ ăn dặm nào cũng muốn được tự lựa chọn món ăn, số lượng ăn theo nhu cầu do đó phương pháp BLW đã đáp ứng đúng mong muốn của trẻ. Tuy nhiên, một số mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm BLW không đúng cách đã khiến con bị hóc, nghẹn liên tục có thể dẫn đến hậu quả xấu.

Mời bạn xem thêm các bài viết cùng chủ đề: ăn dặm kiểu Nhật hoặc bài viết phương pháp ăn dặm blw

Sau đây, các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em sẽ hướng dẫn các mẹ cho bé ăn dặm theo phương pháp Baby Led Weaning như thế nào là đúng nhé.

Phương pháp ăn dặm do bé tự chỉ huy (BLW) là phương pháp ăn dặm cho phép bé tự quyết định (Baby Led), do đó đòi hỏi ba mẹ phải tôn trọng quyết định của bé.

tìm hiểu về phương pháp ăn dặm BLW 1

Tìm hiểu về phương pháp ăn dặm BLW

BLW là phương pháp ăn dặm cho phép bé tự quyết định (giống như cái tên Baby-led của nó), do đó đòi hỏi ba mẹ phải tôn trọng quyết định của bé. Bé từ 6 tháng tuổi trở lên có thể theo phương pháp này, trên nguyên tắc sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính trong năm đầu đời. BLW giúp bé tận hưởng bữa ăn một cách chủ động. Phương pháp này không mới, nó khá phổ biến ở nhiều nước châu Âu và châu Mỹ.

Nếu bạn đã quen với hình ảnh các bé được mẹ dùng muỗng đút thức ăn nghiền nhuyễn vào miệng, bé nhè ra và mẹ lại vét vào cho đến khi nào bé nuốt thì thôi, thì BLW sẽ là một hình ảnh hoàn toàn khác. Với phương pháp này, sẽ không có chuyện đút muỗng hay nghiền nhuyễn, mà ba mẹ sẽ cung cấp cho bé những thức ăn có hình dạng và kích cỡ phù hợp để bé có thể cầm lấy và tự đút cho mình bằng các ngón tay, tự chọn thức ăn, tự quyết định ăn bao nhiêu và ăn với tốc độ như thế nào.

Rất có thể nhiều mẹ sẽ lo lắng bé ăn như thế nhỡ bị hóc thì sao. Thực ra, bé cũng như người lớn, dễ bị hóc hay nghẹn hơn khi có người đút cho, bởi về cơ bản đó là kiểu ăn thụ động – bé không kiểm soát được lượng thức ăn đưa vào. Khi bé tự cho thức ăn vào miệng thì bé cũng nhận thức là mình đang ăn và sẽ điều khiển lưỡi, hàm, môi, họng một cách phù hợp. Nếu thức ăn to quá thì bé sẽ nhè ra. Tất nhiên, việc bé bị ọe vào thời gian đầu là hoàn toàn có thể. Nhưng ọe chỉ là một phản ứng của bé khi không chấp nhận đồ ăn. Sau vài lần ọe thì bé cũng hình thành ý thức và kỹ năng để biết ăn bao nhiêu, ăn như thế nào cho khỏi ọe. Thất bại là mẹ thành công mà.

Đã áp dụng phương pháp BLW thì mẹ phải tin tưởng bé. Tất cả những em bé khỏe mạnh đều có thể làm điều đó từ 6 tháng tuổi, khi bé đã có thể ngồi khá vững và hệ tiêu hóa cũng như miễn dịch đã đủ trưởng thành giúp bé hấp thụ các thức ăn khác ngoài sữa. Bé không cần được đút muỗng, bé chỉ cần được tạo cơ hội để tự ăn mà thôi.

BLW giúp bé ăn uống một cách thoải mái, tự lập và rèn luyện kỹ năng ăn cho bé, cụ thể là:

– cho phép bé khám phá mùi vị và cảm giác về độ thô mịn

– khuyến khích sự độc lập và tự tin

– giúp bé phát triển các kỹ năng nhai và phối hợp giữa mắt và tay

– làm cho bữa ăn của bé bớt áp lực.

tìm hiểu về phương pháp ăn dặm BLW 2

Khi nào có thể cho bé bắt đầu ăn dặm theo phương pháp BLW?

6 tháng tuổi là thời điểm phù hợp để cho bé bắt đầu ăn dặm theo phương pháp BLW. Lúc này, bé đã có thể tự ngồi hoặc ngồi với sự hỗ trợ của người lớn khá vững, có thể điều khiển tay một cách linh hoạt, hệ tiêu hóa và miễn dịch trưởng thành hơn cũng cho phép bé tiếp nhận thêm nhiều thức ăn lạ ngoài món sữa của bé. Vì bắt đầu từ 6 tháng nên bé hoàn toàn không cần đến việc đút muỗng. Bé có thể dùng tay để đưa thức ăn vào miệng.

Những lợi ích chính của phương pháp BLW

Với phương pháp BLW, bé được tận hưởng việc ăn uống, được tìm hiểu các thức ăn khác nhau và “tự xử”. Bé đóng vai trò chủ động trong bữa ăn và kiểm soát được mình ăn gì, ăn bao nhiêu cũng như ăn với tốc độ như thế nào. Điều đó làm cho bữa ăn của bé thêm thú vị và không áp lực. Mà không chỉ bé thú vị, cả ba mẹ cũng thú vị vì được xem bé “học ăn”, lại không phải chịu áp lực về việc phải cho bé ăn hoặc ép bé ăn bằng được.

Dưới đây là những lợi ích chính của việc ăn dặm theo phương pháp BLW:

1. Bé ăn và phát triển kỹ năng một cách tự nhiên

– Bé ăn theo bản năng của mình khi đã sẵn sàng – giống như bất kỳ động vật con nào khác.

– BLW dùng các kỹ năng mà mọi em bé khỏe mạnh đang phát triển ở giai đoạn thứ hai trong năm đầu đời đều có để giúp bé khám phá thức ăn theo nhịp độ riêng của mình.

– BLW cho phép bé sử dụng tay và miệng của mình theo bản năng để tìm hiểu về mọi loại vật thể, bao gồm cả thức ăn.

2. Học cách tận hưởng và tin tưởng thức ăn

– Phương pháp ăn dặm kiểu BLW giúp bé khám phá những vị khác biệt và bắt đầu học cách nhận biết thức ăn mà bé thích.

– Bé háo hức thử nghiệm những đồ ăn mới. Bé hiếm khi trở nên kén ăn hoặc nghi ngờ thức ăn khi lớn hơn – có thể là vì bé được phép sử dụng bản năng của mình để quyết định ăn gì và không ăn gì.

– Việc tiếp nhận nhiều loại thức ăn khác nhau tốt cho vấn đề dinh dưỡng lâu dài của bé cũng như việc tận hưởng thú vui ăn uống.

3. Bé được học ăn

– Bé học cách kiểm soát thức ăn với những kích thước, hình dạng và độ thô mịn khác nhau ngay từ đầu trên nguyên tắc tự xử lý và đưa vào miệng, vì thế bé nhanh chóng trở nên khéo léo khi tiếp cận nhiều loại thức ăn.

– Bé học được cách dùng lưỡi điều khiển thức ăn trong miệng và biết mình có thể đưa vào bao nhiêu là an toàn. Bé sẽ biết cách cắn thành miếng nhỏ để nhai, trong khi những em bé lớn hơn đã quen với việc được đút muỗng thường nhét quá đầy vào miệng khi lần đầu tiên được phép tự ăn.

– Việc học nhai hiệu quả tạo điều kiện cho bé tiếp nhận được mọi dưỡng chất cần thiết và cũng hỗ trợ cho vấn đề tiêu hóa của bé.

– Tập nhai sớm khi đã sẵn sàng giúp bé phát triển các cơ mặt cần thiết khi bé học nói.

tìm hiểu về phương pháp ăn dặm BLW 3

4. Giúp bé tìm hiểu thế giới

– Với bé thì chơi cũng cần thiết cho việc học. Bé học các khái niệm như ít/nhiều, kích cỡ, hình dạng, độ nặng, độ thô mịn… chỉ bằng cách “chơi” với thức ăn của mình.

– Vì mọi giác quan của bé (nhìn, sờ, nghe, ngửi và nếm) đều được tham gia khi bé tự ăn nên bé khám phá được cách liên hệ những điều này với nhau để hiểu hơn về thế giới quanh mình.

5. Phát triển khả năng tiếp cận

– Phương pháp BLW tạo điều kiện để bé tập điều phối tay và mắt mỗi lần sử dụng ngón tay đưa thức ăn vào miệng. Ngoài ra, việc thử nghiệm những món ăn thú vị với kích cỡ và độ thô mịn khác nhau hàng ngày sẽ làm tăng sự khéo léo của bé.

– Việc bé tự chăm lo cho bản thân sẽ giúp bé học hỏi và cho bé sự tự tin về khả năng và quyết định của chính mình.

6. Bé được tham gia bữa ăn gia đình

– Việc tham gia bữa ăn gia đình, ăn cùng thức ăn và tham gia “sinh hoạt xã hội” là một niềm vui dành cho bé.

– Bé bắt chước hành vi của người lớn trong bữa ăn, vì thế bé chuyển sang việc sử dụng các đồ dùng ăn uống một cách tự nhiên và chấp nhận cách ăn ở bàn như mong muốn của gia đình.

– Bé học được cách ăn các món khác nhau, cách chia sẻ, đợi đến phần mình và cách giao tiếp.

– Cùng tham gia bữa ăn có tác động tích cực đến các mối quan hệ gia đình, các kỹ năng xã hội, việc phát triển ngôn ngữ và thói quen ăn uống lành mạnh

7. Phát triển thói quen ăn uống lành mạnh

– Bé sẽ thấy ngon miệng hơn khi được chọn ăn thứ mình muốn, ăn theo tốc độ riêng của bé, và quyết định khi nào thì đủ. Điều này giúp bé tránh được sự kén chọn cũng như tình trạng béo phì sau này.

– Vì bé tham gia vào những bữa ăn chung lành mạnh ngay từ đầu nên bé ít khả năng chọn những thức ăn không tốt khi lớn hơn (hoặc cần đến thức ăn riêng cho mình) và vì thế nhận được nhiều dưỡng chất hơn về lâu dài. Tuy nhiên cần lưu ý là ba mẹ cũng phải có chế độ ăn khoa học để ảnh hưởng tốt đến bé.

8. Bữa ăn dễ dàng và đơn giản

– Việc nghiền thức ăn mất thời gian và tỉ mỉ, có thể tốn kém nữa (đây cũng là điều khiến mình không thích lắm ở phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật – vốn phù hợp hơn với các bà mẹ Nhật chủ yếu làm việc nội trợ, có nhiều thời gian chăm sóc chồng con). Với BLW thì điều đó không cần thiết. Miễn là ba mẹ có chế độ ăn lành mạnh thì họ có thể tạo điều kiện cho con thích nghi với bữa ăn của mình.

– Không vấn đề gì nếu cả nhà muốn ra ngoài ăn. Bé đã quen được ăn cùng bàn với người lớn và thưởng thức đồ ăn của người lớn nên gia đình không nhất thiết phải chọn những nhà hàng có thực đơn dành riêng cho bé. (Điều này rất hữu ích với những nhà khoái đi du lịch như nhà mình.)

– Với BLW thì mọi người ăn cùng nhau; người lớn không phải dùng muỗng để đút bé trong khi đồ ăn cứ nguội dần đi và mọi người đều tham gia vào “nhịp điệu ăn uống” chung.

tìm hiểu về phương pháp ăn dặm BLW 4

9. Không phải “đánh vật” với bữa ăn

– Khi không có áp lực về việc bé phải ăn thì cũng không có cơ hội để bữa ăn trở thành một bãi chiến trường, vì thế những vấn đề như bé không chịu ăn hoặc ám ảnh với bữa ăn hiếm khi xảy ra.

– Bé được tôn trọng quyết định của mình về việc ăn hoặc không ăn gì và khi nào thì ngừng ăn, vì thế không cần phải bày trò chơi để dỗ bé ăn khi bé không muốn hoặc lừa bé ăn.

– Cả gia đình có thể cùng tận hưởng những bữa ăn một cách thoải mái, cả ba mẹ và bé đều được thư giãn và hạnh phúc.

Áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu mới BLW đúng cách như thế nào?

Có những nguyên tắc cơ bản chung mà các mẹ phải tuyệt đối tuân thủ cho tập cho con ăn dặm theo phương pháp BLW

1. Về thức ăn

– Có thể chia sẻ với bé những thức ăn tốt cho sức khỏe của gia đình, ví dụ như trái cây, rau củ, thịt, phô mai, trứng luộc, bánh mì, cơm, mì sợi và hầu hết các loại cá. Tuy nhiên tùy giai đoạn mà bé được ăn những loại thức ăn phù hợp (tham khảo: Thức ăn cho bé trong độ tuổi ăn dặm). Hãy chọn những thức ăn dễ cắt hình que hoặc sợi lớn khi bé bắt đầu ăn. Nên tránh những thức ăn có muối và đường, thức ăn nhanh và đồ chế biến sẵn, mật ong, sò hến, trứng lòng đào và các loại hạt.

tìm hiểu về phương pháp ăn dặm BLW 5

2. Về cách ăn

– Cho bé ngồi thẳng người, quay mặt về phía bàn (ngồi trên ghế ăn hoặc trên đùi ba mẹ). Hãy đảm bảo là bé ngồi vững và có thể dùng bàn tay và cánh tay thoải mái.

– Cung cấp thức ăn cho bé chứ không phải cho bé ăn. Hãy đặt đồ ăn trước mặt bé hoặc cho bé lấy nó từ tay mẹ và để bé tự quyết định.

– Hãy bắt đầu với những thức ăn dễ nhặt và cầm nắm – những mẩu thức ăn hình que hoặc sợi dài là tốt nhất lúc khởi đầu. Hãy cho bé làm quen với những hình dạng và độ thô mịn mới dần dần để bé biết cách xử lý chúng.

– Cho bé tham gia bữa ăn của gia đình bất cứ khi nào có thể. Hãy cho bé ăn thức ăn giống như của người lớn để bé có thể bắt chước.

– Hãy chọn những thời điểm bé không mệt và đói để bé có thể tập trung. Bữa ăn là giờ vui chơi và học hỏi. Bé vẫn tiếp nhận nguồn dinh dưỡng chính từ sữa.

– Hãy cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức trước khi ăn dặm kiểu BLW bởi sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé cho tới 1 tuổi. Hơn nữa bé không quá đói thì sẽ không bị “vồ vập” quá khi ăn, bé sẽ bình tĩnh và tự chủ hơn. Bú cách giờ ăn dặm 1 tiếng là tốt nhất vì nếu bé có ọe thì cũng không ảnh hưởng đến khẩu phần sữa trước đó.

– Có thể cho bé uống nước cùng bữa ăn nếu bé thấy cần.

– Đừng hối thúc bé hoặc làm bé rối trí khi xử lý thức ăn. Hãy cho phép bé tập trung và tận dụng thời gian của mình.

– Đừng đút thức ăn vào miệng bé hoặc cố thuyết phục bé ăn nhiều hơn mức mình muốn.

3. Nguyên tắc an toàn:

– Cho bé ngồi thẳng khi ăn

– Không cho bé ăn nguyên hạt

– Cắt nhỏ những loại quả có lõi hạt như ô liu hoặc anh đào ra làm hai và vứt hạt đi

– Đừng để ai khác ngoài bé đút thức ăn vào miệng bé

– ĐỪNG BAO GIỜ để bé một mình với thức ăn

tìm hiểu về phương pháp ăn dặm BLW 6

Bí quyết áp dụng phương pháp ăn dặm BLW thành công

– Hãy xem giờ ăn là giờ chơi trên nguyên tắc tạo hứng thú cho bé (chứ không phải biến giờ ăn thành giờ chơi bằng cách cho bé đồ chơi và đi rong như nhiều mẹ vẫn thường làm). Bé cần ngồi ăn nghiêm túc với một tâm trạng thoải mái và được phép khám phá chủ động. Hãy chấp nhận là bé đang học tập và thử nghiệm chứ không nhất thiết phải ăn. Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé.

– Tiếp tục duy trì việc cho bé bú sữa theo nhu cầu, thức ăn dặm chỉ là phần phụ thêm chứ không phải thay thế cho sữa. Bé sẽ giảm sữa từ từ theo thời gian biểu của chính mình.

– Đừng trông mong bé ăn nhiều vào lần đầu. Nhiều bé ăn rất ít trong những tháng ăn dặm đầu tiên. Điều quan trọng là bé học được thói quen ăn uống tốt chứ không phải là ăn bao nhiêu. Đừng áp lực với việc phải nhét vào người bé một lượng bao nhiêu đó. Bé còn cả cuộc đời để ăn cơ mà.

– Hãy thử ăn cùng bé và cho bé tham gia bữa ăn của ba mẹ khi có thể để bé có nhiều cơ hội bắt chước và thực hành các kỹ năng mới.

– Hãy chấp nhận bé bày bừa đồ ăn và thậm chí bôi nhoe nhoét đầy người. Hãy nhớ rằng bé đang học ăn. Nếu mẹ cảm thấy mệt mỏi với việc dọn dẹp nhà cửa thì hãy trải một tấm lót sạch dưới ghế để giữ nhà được sạch.

– Hãy cho phép cả bé lẫn ba mẹ có điều kiện tận hưởng bữa ăn. Nhờ cách đó mà bé háo hức thử những thức ăn mới và trông chờ đến giờ ăn.

Tóm lại, BLW cho bé cơ hội được tự quyết định ăn theo bản năng và nhu cầu, kết hợp sự rèn luyện kỹ năng theo tự nhiên lẫn xu hướng xã hội, nhờ đó bé có ý thức tự giác, độc lập, tự tin và bé cũng học hỏi được nhiều hơn về cuộc sống. Tuy nhiên, để thành công thì ba mẹ phải kiên trì, tin tưởng và tạo điều kiện cho bé “khẳng định chính mình”.

tìm hiểu về phương pháp ăn dặm BLW 7

Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng phương pháp ăn dặm do bé tự chỉ huy BLW cho con của mẹ Muối Mè

Kinh nghiệm được chia sẻ bởi Mẹ Muối Mè

Phương pháp ăn dặm BLW này em được một người chị hiện sống ở Đức – mẹ Tép – hướng dẫn rất nhiệt tình. Em áp dụng cho Mè khi con được 5,5 tháng.

Đây là bài viết của em – vào thời điểm Muối Mè của em được hơn 7 tháng tuổi:

“Nếu em bé vẫn đang phát triển tốt dù chỉ bú mẹ thì hãy đợi con đủ 6 tháng hãy cho ăn dặm. Nếu bé không lên cân nào thì có thể bắt đầu từ 5,5 tháng. Khi nào con ngồi được (có hỗ trợ) thì có thể tập con ăn dặm. Bà con cô bác có thể sắm cho con cái ghế ăn (đơn giản, không đồ chơi gì gắn xung quanh ráo), nếu cả nhà ngồi ăn ở bàn thì sắm ghế cao cho con, để con ngồi cùng gia đình.

Phương pháp BLW rất đơn giản: con cùng ăn với bố mẹ, con tự ăn, không cần ai đút, không có ai phải làm hề dỗ con ăn, con ăn được bao nhiêu thì ăn tùy hỉ, không ép. Vì nguồn dinh dưỡng chủ yếu của con lúc này là sữa mẹ, không phải từ ăn dặm.

Tới bữa ăn, nếu là món luộc, thời gian đầu có thể luộc cho con lâu hơn chút (gắp phần của cả nhà ra trước). Rau dễ tập là bông cải, bí xanh (cắt khúc vừa tay), bí đỏ, bí ngòi… Thịt gà luộc mềm phần đùi, bỏ da. Lúc đầu có thể xé miếng cho con cầm, sau khi con quen thì đưa cả đùi (Mè chỉ cầm miếng xé có 1 lần, sau đó cầm đùi xơi luôn). Cá rất dễ nát, nên gỡ theo thớ cho con. Có thể lăn cá qua chút bột bắp và chiên nhanh với chút dầu olive cho con ăn. Cơm nắm cho con 1 cục để con gặm. Thật ra cách chế biến, các chị cứ nhìn con mà đoán ý, để nấu phù hợp cho con giai đoạn đầu này, vì có bé tập nhai rất nhanh, có bé cần thời gian lâu hơn để quen.

tìm hiểu về phương pháp ăn dặm BLW 8

Không để quá nhiều món trước mặt con làm con phân tâm. Nó sẽ dồm ngó ngay món mẹ vừa để xuống, và tèn ten… có mới nới cũ ngay!

Không cần chén bát lúc này, cứ lau sạch mặt bàn và cho thức ăn lên đó (Mè mà thấy chén đĩa xanh đỏ đẹp mắt thì nó chỉ gặm chén đĩa, mặc kệ thức ăn).

Không giúp con đưa thức ăn vô miệng, để con tự tập luyện. Bố mẹ có thể làm mẫu cho con nhìn mà bắt chước.

Không dòm lom lom con ăn, đừng tỏ vẻ chú ý tới con, mọi người cứ ăn uống bình thường, chỉ cần có ai đó ngồi cạnh con để xử lý nếu có gì xảy ra là đủ.

Khi con hóc, nghẹn, không la hoảng (con sẽ sợ hãi dẫn tới nguy hiểm hơn), bình tĩnh vỗ lưng con.

Trước khi bắt đầu tập con ăn BLW, nên cho con bú no khoảng 2h. Con sẽ không quá đói dẫn đến cáu kỉnh, mất kiên nhẫn khi chưa cầm được thức ăn.

Nếu con không chịu ngồi vào ghế, hay khóc lóc, thì ngưng tập!

Thời gian đầu con sẽ không chịu ngồi lâu, sẽ chỉ chơi 5-10 phút là đòi ra. Nhưng sau vài tuần, con sẽ ngồi ăn từ đầu chí cuối (như Mè, ngồi xơi trước bố mẹ 30 phút mà bố mẹ ăn xong nó vẫn ngồi nhâm nhi tráng miệng, oa!).

Ăn bột, cháo: con tập nuốt trước khi tập nhai.

Ăn bốc (BLW): con tập nhai trước khi tập nuốt.

Mè của mình đã ọe (không ói) 4 lần liên tục trong 1 buổi chiều ăn lê. Nhưng sau khi ọe ra cục lê bự (vì ham ăn quá ạ) thì nó vẫn tỉnh bơ cầm lên ăn tiếp dù khóe mắt đỏ hoe vẫn đọng nước vì nghẹn. Nếu con vẫn tiếp tục ăn thì để con ăn, nếu con hoảng sợ, ói, thì ngưng, vài ngày sau thử lại. Mè chỉ sau vài ngày đầu ọe, con đã biết nuốt miếng nhỏ, chọn miếng nhỏ, cục nào to thì nhè ra. Nếu không cho con tập thì con sẽ không thể biết được, ai đút gì ăn nấy, đút nhiêu ăn nhiêu, sẽ chỉ nuốt chửng mãi tới lớn (lớn chừng nào thì… mình hem biết).

Phương pháp này gọi là baby leads nên để con tự quyết định con ăn gì. Tới bữa mình cho Mè cục cơm, vài cái rau, miếng cá hay miếng thịt. Con chọn cái gì con muốn ăn. Tới chán chê thì cho ăn tráng miệng. Có thứ ban đầu con chê, không thèm ăn; nhưng sau một thời gian mẹ vẫn cứ bày ra đó, thì con lại ăn.

Thời gian đầu, con chỉ gặm mút chút đỉnh, suốt 2 tuần đầu mới tập, Mè quăng tất cả, không biết đưa lên miệng ăn. Nhưng càng về sau con có thể cắn, nhai, nuốt những mẩu thức ăn bé, mềm. Với thức ăn to, dai, con sẽ mút nước và nhả bã. Riêng canh thì mẹ có thể đút cho con ăn.

Để biết con bú/ăn có đủ không, mỗi ngày con thải ra 4-5 cái tã nặng là đủ. Con không mập mạp nhưng lên kg đều (dù chỉ vài lạng), chơi đùa vui vẻ, không bệnh tật, là con khỏe mạnh.

tìm hiểu về phương pháp ăn dặm BLW 9

Mặt lợi của phương pháp BLW này:

– Mè sử dụng tay khéo hơn, cầm gọn hơn, không còn rớt lên rớt xuống, cũng không còn quăng ném thức ăn nữa. Con biết đổi từ tay này sang tay kia, chuyển thức ăn qua lại giữa hai tay. Biết nhón những mẩu thức ăn bé xíu, đưa chính xác vô miệng.

– Sử dụng hai tay như một: tay nào giờ cũng cầm thức ăn gọn hơ.

– Con đã có phản xạ nhai và nhai tốt. Giờ cả khi mẹ trộn trái bơ với sữa mẹ đút cho con ăn thì con cũng nhai nhai trong khi trước đây con chỉ nuốt chửng.

– Con biết mút những thứ con chưa nhai được để nuốt như thịt.

– Con thưởng thức bữa ăn cùng bố mẹ nên con rất thích thú, và quen với việc ngồi trên ghế ăn. Không có chuyện vừa ăn vừa coi TV, dỗ dành, đi rong… Càng ngày con càng tiến bộ, khéo léo hơn. Từ 7 tháng có thể tập con uống nước bằng ly, bằng ống hút và dùng muỗng. Cho con cái muỗng để chơi, và tập xúc dần dần.

– Mẹ đỡ phải chuẩn bị thức ăn riêng cho con. Khi nấu cơm, có thể cho củ khoai, hay ít rau vào hấp cùng. Nấu món gì cho cả nhà thì múc phần con ra rồi hãy nêm nếm. Nếu nhà ăn món kho, thì hấp riêng cho con món gì đó. Nhờ nấu cho Mè ăn cùng mà nhà Mè ăn ít dầu mỡ hẳn. Các chị sẽ nhận thấy rất rõ là con rất thích ăn các món từ mâm cơm của bố mẹ. Nếu không quá mặn-cay-đắng… các chị cứ lấy một ít cho con nếm thử để quen vị.

tìm hiểu về phương pháp ăn dặm BLW 10

Mặt hại của phương pháp ăn dặm BLW (đúng ra là khó khăn):

– Mỗi lần con ăn xong, lau dọn hơi phê. Cho nên mình có thể sắm cái áo yếm riêng loại vải dù dễ giặt phơi. Không thì hy sinh một cái áo xấu xí cũ nào đó chuyên dùng ăn dặm.

– Dưới chỗ con ăn nên trải vài tờ báo cũ để thức ăn rơi vãi không dơ. Hay nhất nhà nào có chó, chó sẽ dọn sạch. Nhà Mè không có chó mà chỉ có… bố mẹ, hi hi…

Một người chị đi trước đã nhiệt tình hướng dẫn mình nuôi con theo phương pháp ăn dặm này, có lưu ý:

– Với con, trước 1 tuổi sữa vẫn là chủ yếu, tất cả các thức ăn khác chỉ là giới thiệu, không đặt mục tiêu số lượng. Vì ở tuổi này trẻ con chưa có nhu cầu/chưa biết “ăn” để no. Hơn nữa sữa là thứ dễ tiêu và đầy đủ chất nhất, không thức ăn nào thay được sữa trong giai đoạn này.

– Nếu các mẹ đút thìa cho con ăn cháo, bột, rau quả xay, nghiền nhuyễn thì cũng sẽ đến lúc phải cho con ăn thức thô, bé nào cũng sẽ qua giai đoạn ọe. Đây là phản ứng bình thường. Thậm chí người lớn còn ọe nữa là.

– Nhiều mẹ nói khi đút thìa được vài thìa là bé ngậm mồm không ăn, không hợp tác… bởi vì nhu cầu của bé chỉ có như vậy thôi. Vì mình để ý con mình tự ăn thì bé ăn rất ít. Trong thời gian này thì bé lên cân vẫn vì sữa chứ không phải vì thức ăn. Và trong đời bé sẽ không bao giờ uống sữa nhiều như thế đâu, không bao giờ tăng cân được nhiều nhờ sữa như thế đâu…

Hiện giờ Mè nhà em được hơn 1 tuổi. Con tự ăn sáng (với bánh mì). Con ăn được cơm như bố mẹ từ 6,5 tháng. Con vẫn ăn bốc (lỗi này là do mẹ Mè đã thiếu kiên nhẫn mà chưa tập cho con dùng muỗng). Con biết xé nhỏ miếng thịt (cá, tôm…) để ăn. Biết cấu ngắt rau, dùng răng rứt thức ăn thành mẩu nhỏ vừa miệng. Trái cây thì mẹ ghim nĩa đưa cho, Mè tự đút miệng ăn. Và em được biết có mẹ đã tập con dùng muỗng thành công, tự xúc được một phần thức ăn, và các bé ấy chỉ nhỉnh hơn Mè vài tuần tuổi thôi đấy ạ.

Em vẫn nấu không nêm nếm muối đường cho Mè. Nhưng em dùng rất nhiều các loại rau gia vị: tỏi, hành, gừng, sả, thì là, nghệ, thyme, basil, oregano, rosemary… vì rất tốt cho vị giác của con, và bổ nữa ạ!

Có gì thất bại và sai sót, ấy là do bản thân em chưa kiên nhẫn, kiên trì trong việc tập con, kiến thức nuôi con trang bị chưa đủ, chứ phương pháp ăn dặm này quả thật là tuyệt vời. Nếu em có thêm con sau này, em vẫn sẽ áp dụng cho con mình!

Video hướng dẫn cách xử lý khi con bị hóc nghẹn khi ăn dặm theo phương pháp BLW

Share on Facebook0Pin on Pinterest0Share on Google+0

Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *