Nấu cháo cho trẻ ăn dặm khác với nấu cháo cho người lớn, do đó các chị em phụ nữ lần đầu làm mẹ cần học công thức nấu cháo chuẩn cho trẻ độ tuổi tập ăn dặm, để làm cho nấu được chén cháo cho trẻ đủ chất, đủ dinh dưỡng, không mất vitamin B1 và độ mịn vừa phải. Mời các mẹ tham khảo hướng dẫn nhé.
1. Một số dụng cụ đơn giản dùng để nấu cháo ăn dặm cho bé:
– 1 chén ăn cơm = 200 ml nước: dùng để đong nước.
– 1 thìa súp gạo = 5 g gạo xay vỡ.
– 1 thìa súp thịt = 10g thịt.
2. Cách nấu cháo cho bé mới tập ăn dặm từ 6 tháng:
Nguyên liệu:
– 2 chén nước = 400ml
– 5 g gạo xay vỡ.
– 10 g thịt lợn thăn.
– 2 thìa súp rau ngót.
– 1 thìa cà phê dầu ăn dành cho trẻ em.
Lưu ý ở tuổi này:
– Rau chỉ ăn lá, không dùng cuống cứng.
– Gạo dùng nấu cháo là gạo tám xay vỡ, thường không pha thêm bất cứ loại hạt gì, không pha gạo nếp.
– Chưa nên nêm nước mắm vào cháo hay bất cứ gia vị nào khác.
Cách nấu:
– Cho nước vào với gạo nấu trên bếp. Khi cháo sôi thì đun thật nhỏ lửa để cháo nhanh nhừ. Cho thịt nạc băm nhỏ vào ninh cùng với cháo.
– Rau ngót thái chỉ băm nhỏ rồi cho vào cối giã lọc lấy nước cốt. Khi cháo chính thì cho tiếp nước cốt rau vào.
– Trước khi cho trẻ ăn, cho 1 thìa dầu ăn trẻ em vào cháo nóng.
Ở lứa tuổi này, một ngày ăn từ 1 – 2 bữa cháo. Ngoài ra vẫn cần uống thêm từ 600 – 800 ml sữa mới đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Cách nấu cháo cho bé không mất vitamin B1
Vitamin B1 rất dễ bị hao hụt bởi nhiệt và hòa tan trong nước trong quá trình nấu cháo cho trẻ
Vitamin B1 hay còn gọi là thiamin rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. Thiếu hụt vitamin B1 có thể xảy ra khi mẹ cho bé chế độ ăn quá nghèo nàn, đơn điệu, ít thức ăn động vật (thịt, cá, trứng…). B1 có vai trò chuyển hóa Gluxit giúp kích thích ăn. Do đó ở trẻ nhỏ, thiếu vitamin B1 sẽ gây ra hiện tượng đặc trưng nhất là mất cảm giác ngon miệng, biếng ăn và táo bón – điều rất nhiều bà mẹ lo sợ. Nếu thiếu nặng có thể dẫn tới phù ở chân, teo cơ, rối loạn tinh thần, hôn mê, suy tim. Trẻ đang trong thời kỳ bú sữa mẹ có thể bị tử vong đột ngột do suy tim nếu người mẹ bị thiếu vitamin B1.
Nhu cầu vitamin B1 được tính theo năng lượng ăn vào. Các loại thực phẩm giàu vitamin B1 như: các loại đậu, nấm, cải bó xôi, cá ngừ… Tính trung bình, nhu cầu B1 của trẻ thường khoảng:
Trẻ sơ sinh (0-6 tháng): 200 microgram (mcg) mỗi ngày
Trẻ sơ sinh (7-11 tháng): 300 mcg mỗi ngày
Trẻ em (tuổi từ 1-3): 500 mcg mỗi ngày
Trẻ em (tuổi từ 4-8): 600 mg mỗi ngày
Trẻ em (tuổi từ 9-13): 900 mcg mỗi ngày
Trong khi rất nhiều bà mẹ có trẻ biếng ăn phải cho con uống thuốc bổ sung vitamin B1, một số còn không có sự chỉ định của bác sĩ nhi hay chuyên gia dinh dưỡng trẻ em dẫn đến lợi bất cập hại, thì trên thực tế, chỉ vì một vài sự thiếu hiểu biết, mẹ còn đang làm hao hụt lượng vitamin B1 tự nhiên có trong cháo gạo nấu cho bé hàng ngày.
Vì Vitamin B1 rất dễ bị hòa tan trong nước và tiêu biến ở nhiệt (nhất là với B1 có trong đậu xanh), mẹ cần có những chú ý đặc biệt khi nấu cơm, cháo cho trẻ để không làm hao hụt vitamin B1.
Mẹ nên lưu ý:
– Để khẩu phần ăn có đủ vitamin B1, cần chú ý không nên xay xát gạo quá kỹ vì các vitamin nhóm B có nhiều ở lớp vỏ ngoài ngay sát hạt gạo. Cứ 100 gr gạo tẻ giã có 0,12 mg vitamin B1; 100 gr gạo tẻ máy vừa phải có 0,1 mg vitamin B.
– Không nên vo gạo quá kỹ trước khi nấu cháo làm mất lớp cám gạo chứa nhiều vitamin B1. Thực hiện đúng nghĩa rửa gạo: tức là cho gạo vào xoong, nồi… khuấy nhẹ tay, gạn nước nhằm loại trừ trấu, sạn. Khi nấu cháo cho bé chỉ cho nước vừa đủ, không cho nhiều để phải chắt bỏ nước cơm làm mất vitamin B1 (có thể mất tới 60%).
– Nên dùng nước sôi để nấu cháo thay cho dùng nước lạnh, hạt cơm sẽ dẻo hơn, các chất dinh dưỡng ít bị mất hơn. Dù nấu cháo bằng nồi cơm điện thì cũng nên dùng nước sôi. Khi nấu bằng nước sôi, lớp ngoài của hạt gạo co lại, tạo lớp màng bảo vệ hạt gạo không bị nứt, vỡ. Nấu cháo bằng nước lạnh, hạt gạo sẽ trương nở ra, các chất dinh dưỡng cũng theo đó mà tan ra trong nước.
– Khi cháo sôi, nên vặn nhỏ lửa, đậy vung để giữ nhiệt, tránh tiếp xúc với oxy không khí, là yếu tố phá huỷ thêm các vitamin trong gạo. Với cách làm như vậy, lượng vitamin B1 được giữ lại sẽ nhiều hơn đến 30% so với cách nấu bằng nước lạnh.
5 loại rau củ mẹ nên cho vào thực đơn ăn dặm của trẻ
1. Khoai tây cho bé ăn dặm
– Giá trị dinh dưỡng: Khoai tây giàu tinh bột, vitamin A, C và kali. Một củ khoai tây hấp chứa đến 252 kalo. Vì khoai tây giàu tinh bột nên khi cho bé ăn khoai tây, mẹ nên giảm đi một chút cháo/ bột trong khẩu phần ăn hàng ngày của bé.
– Thời điểm cho bé tập ăn khoai tây: Vì khoai tây rất giàu tinh bột và không có nhiều các loại vitamin khác nên các bác sĩ dinh dưỡng khuyên các mẹ nên cho bé làm quen với loại củ này khi bé được 8 tháng tuổi. Lý do: thời điểm này, bé cần nhiều carbonhydrat để phát triển và khoai tây có thể đáp ứng nhu cầu này.
– Cách chế biến: Cách đơn giản nhất là gọt vỏ khoai tây, thái làm 4 rồi cho vào nồi hấp. Khi khoai tây chín các mẹ có thể lấy ra dầm nhuyễn cho bé ăn. Ngoài ra mẹ có thể xắt hạt lựu để bé tập ăn bốc.
2. Cần tây rất tốt cho trẻ ăn dặm
Rất nhiều mẹ cho rằng cần tây là thực phẩm không phù hợp với bé đang tuổi tập ăn dặm. Tuy nhiên cần tây lại chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho bé.
– Giá trị dinh dưỡng: Cần tây chứa nhiều kali, vitamin K – loại vitamin tốt cho máu, giúp cân bằng huyết áp. Đoạn phình ra trên thân cây cần tây là nơi tập trung nhiều vitamin C, phôtpho, magiê, vitamin B6 và chất xơ.
– Thời điểm cho bé tập ăn cần tây: Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng khi bé khoảng 8 tháng tuổi, mẹ có thể cho con tập ăn cần tây. Cần tây nấu bột (cháo) với thịt bò, thịt lợn; khoai tây, cà chua, carrot; hải sản… cho bé từ 8 tháng.
– Cách chế biến: Các mẹ hãy coi cần tây như một loại rau xanh hữu ích cho bé. Khi chế biến cần tây, người ta thường sử dụng phần thân của cây cần. Cách chế biến cần tây cũng tương tự cách sơ chế các loại rau xanh khác dành cho bé ăn dặm nên rất đơn giản. Cần tây kết hợp tốt với dầu olive, thịt bò, thịt lợn; khoai tây, cà chua, carrot; cá, hải sản khác… đều thơm ngon.
3. Cà tím giàu dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm
Rất ít mẹ cho bé tập ăn cà tím. Tuy nhiên đây lại là một thiếu sót.
– Giá trị dinh dưỡng: Cà tím có nhiều chất xơ nên giúp bé đi ngoài đều đặn và có đường ruột khỏe mạnh. So với các loại củ, quả khác thì cà tím không ‘dồi dào năng lượng’ nhưng nó giàu vitamin A và folate. Ngoài ra, cà tím còn có canxi và một hàm lượng nhỏ vitamin K.
– Thời điểm cho bé tập ăn cà tím: Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, cha mẹ có thể cho bé làm quen với món cà tím khi bé được khoảng 8-10 tháng tuổi. Có thể cho bé ăn cà được nấu chín cả vỏ; với nhóm bé có vấn đề về tiêu hóa, chỉ nên chế biến lớp thịt của quả cà (trừ vỏ).
– Cách chế biến: Mẹ có thể hấp chín cà tím và thái hạt lựu (hoặc thái lát mỏng, mềm) rồi cho bé dùng tay ăn bốc. Cà tím còn thích hợp khi được nấu thành nước sốt hoặc nướng nhưng hấp là cách tốt nhất nếu bạn muốn cho bé tập ăn cà tím.
4. Củ cải
Cũng giống như cà tím và cần tây, củ cải là một trong những thực phẩm ít được các mẹ bổ sung vào thực đơn của bé vì nghĩ nó không nhiều chất, bên cạnh đó lại có mùi hăng hăng khó ăn nên sợ bé không ăn được.
– Giá trị dinh dưỡng: Củ cải giàu vitamin C, canxi, một ít chất xơ và protein. Cũng giống như một số loại rau củ khác, củ cải chứa chất ngọt tự nhiên, giúp bé ngon miệng.
– Thời điểm cho bé tập ăn: Cha mẹ có thể tập cho bé ăn củ cải khi bé được khoảng 6-8 tháng tuổi. Cũng có thể cho bé ăn củ cải muộn hơn, ngoài 8 tháng tuổi vì củ cải được luộc (hấp) chín, cắt hình hạt lựu khá phù hợp khi cho bé ăn bốc.
– Cách chế biến: Củ cải gọt vỏ, thái dạng hạt lựu, hấp chín và cho bé dùng tay bốc ăn. Hoặc bạn có thể luộc lên rồi cắt miếng nhỏ cho bé ăn sẽ rất ngọt miệng.
5. Bắp ngô
– Giá trị dinh dưỡng: Ngô chứa nhiều protein và carbonhydrate, giúp bé tăng năng lượng. Tuy nhiên, ngô lại nghèo dinh dưỡng hơn các loại thực phẩm khác và không được coi là thực phẩm an toàn cho bé mới ăn bốc.
– Thời điểm cho bé tập ăn ngô: Một số chuyên gia gợi ý, cha mẹ chỉ nên cho bé ăn ngô khi bé được khoảng 1 tuổi. Nguyên nhân là do ngô có khả năng gây dị ứng cao; đồng thời, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hóc cho bé.
– Cách chế biến: Ngô được luộc chín và nghiền nhuyễn hoặc cho bé ăn cả hạt (tùy vào độ tuổi của bé). Ngoài ra, có thể tách hạt ngô, bỏ vào nồi ninh hoặc hấp cho đến khi hạt ngô chín mềm.
Trên đây, các chuyên gia về dinh dưỡng trẻ em của andamchobe.com đã hướng dẫn cho các mẹ công thức chuẩn nhất để nấu cháo cho bé ăn dặm đầy đủ chất và không bị mất vitamin B1. Các mẹ hãy thực hành theo và nấu cho bé những tô cháo thơm ngon nóng hổi giúp bé ăn nhiều chóng lớn nhé. Cũng đừng quên 5 loại rau củ cực tốt cho các bé, các mẹ nhé.