Ăn dặm đúng cách là cho bé ăn đúng thời điểm, đúng phương pháp, và lựa chọn thực đơn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Áp dụng phương pháp ăn dặm đúng cách sẽ giúp việc ăn dặm của bé trở nên nhàn tênh, bé tăng cân, phát triển trí tuệ và nhanh biết nhai cơm sớm.
Thời điểm cho trẻ ăn dặm theo chuẩn WHO: Trẻ được 6 tháng tuổi: nặng 7,3 kg, cao 65.7 cm.
Các chuyên gia về nhi khoa đã có những khuyến cáo về độ tuổi ăn dặm nên bắt đầu từ 6 tháng trở lên, các mẹ không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm vì có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của con. Tuy nhiên, mỗi bé lại có đặc điểm và tốc độ phát triển khác nhau. Nhiều bà mẹ lần đầu cho con ăn dặm đã phân vân không biết đâu là thời điểm thích hợp để cho con ăn dặm và bữa ăn dặm cần đáp ứng những tiêu chí nào?
Dưới đây là bí kíp giúp các bà mẹ trẻ chuẩn bị bữa ăn dặm ngon miệng, đủ dinh dưỡng cho con, đồng thời bắt đầu tập cho bé thói quen “giờ ăn là giờ vui”.
Dấu hiệu “Bé muốn ăn dặm”
Thời điểm cho bé ăn dặm cần cân nhắc về cân nặng, giới tính của trẻ. Theo tiêu chuẩn của WHO thì:
– Trẻ gái 6 tháng tuổi: nặng 7,3 kg, cao 65.7 cm
– Trẻ trai 6 tháng tuổi: nặng 7.9 kg, cao 67,6 cm
Ngoài ra có 1 số dấu hiệu nhận biết thời điểm bé có nhu cầu ăn bữa bổ sung như:
– Sau khi bú mẹ, bé vẫn khóc và muốn bú thêm
– Hay thức dậy nửa đêm để đòi bú trong khi trước đó bé ngủ ngoan.
– Khi thấy mọi người ăn, bé tỏ ra thích thú, mắt theo dõi tập trung động tác lấy thức ăn, nhai, nuốt thức ăn của người lớn, tay chân khua khoắng muốn với cầm thức ăn.
Bữa ăn dặm cân bằng dinh dưỡng
Mẹ nên cho bé ăn làm nhiều bữa nhỏ, đồng thời lưu ý nguồn protein trong thức ăn phải có đủ axit amin cần thiết. Khi mẹ cho bé bú, chất béo có trong sữa mẹ đã cung cấp 50% năng lượng cho bé. Chế độ ăn bổ sung thường có độ đậm năng lượng thấp do nguồn thức ăn nghèo chất béo. Đó chính là lý do vì sao, cần bổ sung chất béo ( dầu,mỡ) vào chế độ ăn cho bé.
Ngoài ra, bữa ăn của bé cần có đủ vitamin và khoáng chất. Tùy theo chế độ ăn của bà mẹ mà hàm lượng vitamin cần thiết trong sữa mẹ thay đổi, do đó chế độ ăn của bà mẹ mang thai và cho con bú cần phải đảm bảo dinh dưỡng.
– Khi xát trắng gạo chúng ta vô tình đã loại bỏ nhiều vitamin vì vậy nên bổ sung bột đậu xanh và thịt lợn nạc vì chúng có nhiều vitamin. Không ít trường hợp trẻ mắc các bệnh lý do người mẹ thực hiện chế độ kiêng kem sau sinh, làm nguồn sữa mẹ thiếu vitamin B1.
– Lòng đỏ trứng, các loại củ quả có màu vàng đậm, rau xanh là nguồn cung cấp vitamin A và caroten quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Thiếu vitamin A sẽ dẫn đến khô mắt, gây mù lòa, suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh.
– Rau xanh và hoa quả tươi còn cung cấp vitamin C cho cơ thể trẻ, đồng thời hỗ trợ quá trình hấp thu chất sắt.
– Mặt khác, để phòng bệnh còi xương do thiếu vitamin D ở trẻ, gia đình cần kết hợp giữa chế độ ăn bổ sung và tắm nắng hợp lý cho bé.
– Sữa mẹ cung cấp rất nhiều chất khoáng cần thiết đối với sự phát triển của trẻ như sắt, canxi có hàm lượng thích hợp và dễ hấp thụ. Ngược lại, chất sắt ở mỗi loại thực phẩm khác nhau sẽ có mức độ hấp thu khác nhau. Các loại thịt động vật, gia cầm có lượng chất sắt hấp thu cao nhất, rồi đến các loại đậu, đỗ, ngũ cốc.
Bữa ăn dặm phải đủ năng lượng
Khi trẻ bú mẹ nguồn năng lượng bé nhận được chính là các chất béo có trong sữa mẹ.
Khi mẹ cho bé ăn bột gạo nguyên chất thì bé chỉ có thể nhận được 3-5% năng lượng chất béo. Để đảm bảo bé có thể nhận đủ năng lượng thì thức ăn của bé phải đảm bảo về mặt chất lượng, tức là có đủ 4 nhóm: đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng.
Trong quá trình chế biến bữa ăn cho bé, mẹ cần lưu ý bổ sung thêm các nguồn thực phẩm như thịt nạc, trứng, cá, tôm để thay đổi khẩu vị và cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết.
Độ đậm, đặc thích hợp
Ngay từ khi sinh ra, bé chỉ làm quen với một loại thức ăn duy nhất là sữa mẹ và đây là loại thức ăn ở dạng lỏng.
Khi lần đầu chuẩn bị bữa ăn phụ cho bé, các mẹ lưu ý trong khâu chế biến thức ăn của trẻ nên bắt đầu từ thể lỏng rồi chuyển sang dạng sền sệt sau đó mới đặc dần.
Bên cạnh đó, để bát bột nấu cho trẻ đạt tiêu chuẩn, mẹ cần tìm hiểu về mối quan hệ giữa độ đậm đặc và độ đậm năng lượng.
Bột của trẻ lúc mới nấu, nhiệt độ nóng nhưng khi nguội dần sẽ càng đặc lại. Nếu pha thêm nước để đạt độ lỏng thích hợp thì sẽ làm giảm độ năng lượng.
Vì vậy, để tăng độ đậm năng lượng và giảm độ đặc thì nên chia nhỏ các bữa ăn của trẻ, đồng thời bổ sung dầu mỡ trong quá trình chế biến dầu mỡ.
Đa dạng hóa bữa ăn
Mỗi bé có một khẩu vị và thói quen ăn uống khác nhau không ai giống ai.
Các mẹ cần dành thời gian để quan sát, tìm hiểu sở thích của bé để có thực đơn chế biến phù hợp giúp bé luôn có cảm giác ngon miệng, thích thú để giờ ăn là giờ vui ngay từ những tháng đầu bé học nuốt, học nhai và sẽ ảnh hưởng đến thói quen dinh dưỡng về sau của trẻ.
Ngoài các bữa bột bổ sung, mẹ có thể cho bé ăn bánh biscuit có bổ sung vitamin, calcium, DHA… thỏa mãn nhu cầu muốn nhai, cắn khi bé mọc những chiếc răng đầu tiên.
Phương pháp ăn dặm giúp con nhanh biết nhai cơm
Để giúp bé chuẩn bị thật tốt cho quá trình ăn dặm, mẹ hãy giúp con tập phản xạ nhai thật thành thạo nhé.
Các chuyên gia vẫn khuyên các mẹ nên cho trẻ bú mẹ tròn 6 tháng đầu đời rồi có thể tập ăn dặm. Vào thời điểm này, các mẹ có thể tập cho bé một số phản xạ cơ bản để phục vụ cho việc ăn dặm sắp tới. Nhai là một phản xạ tương đối quan trọng bé cần học. Không ít mẹ đã tỏ ra bối rối khi bé tỏ ra muốn nôn ọe khi mẹ chuẩn bị cho con đồ ăn hơi lợn cợn một chút vì bé chưa biết cách nhai mà chỉ chực nuốt chửng. Hãy cùng tham khảo cách giúp bé học nhai thành thạo các mẹ nhé
1. Để trẻ dùng miệng để “khám phá thế giới xung quanh”
Thông thường khi con bắt đầu biết lẫy và biết cách cầm nắm đồ vật (tầm 3-4 tháng tuổi), các mẹ luôn trong tình trạng lo lắng khi con ngậm mọi thứ vào miệng vì sợ bé sẽ nhiễm vi khuẩn hay nuốt phải những dị vật không mong muốn. Tuy nhiên, đây là một kĩ năng bé cần phải rèn luyện và là bước đầu tiên trong quá trình tập nhai của mình. Khi ấy bé sẽ dùng môi, lưỡi và lợi để khám phá hình dạng và cấu tạo của các đồ vật xung quanh. Giai đoạn này mẹ hãy mua những món đồ chuyên dụng và hợp vệ sinh cho bé như đồ chơi gặm nướu của các nhãn hiệu an toàn và uy tín cho bé tập gặm. Lúc này, có thể mẹ đã có thể chuẩn bị cho bé thức ăn dạng sệt để bé thử dần.
2. Giúp con tăng hoạt động của cơ miệng
Khi tập nhai bé sẽ cần huy động sự giúp đỡ của vô số các cơ trong miệng, các cơ này cũng đồng thời sẽ hỗ trợ bé trong quá trình tập nói. Vì vậy, khi bé bắt đầu bi bô và thốt lên những âm thanh bập bẹ như a, ô , mẹ hãy khuyến khích bé làm như vậy càng nhiều càng tốt để cơ miệng bé có thêm cơ hội phát triển. Thậm chí mẹ có thể làm bé cười đùa hùa theo những hành động, trò chơi mẹ nghĩ ra. Những hành động tưởng như rất bình thường ấy của mẹ lại giúp cơ hàm bé khỏe hơn để việc nhai sắp tới diễn ra thuận tiện hơn
3. Giúp con vượt qua tình trạng nôn trớ
Nôn trớ là một phản xạ tự nhiên bé có từ khi còn sơ sinh để bảo vệ bé khỏi hóc các thức ăn không phù hợp ngoài sữa. Khi bé đã đến tuổi ăn dặm, mẹ hãy giúp bé loại bỏ phản xạ này bằng cách luyện cho bé ăn những thức ăn từ loãng đến đặc dần, mịn đến hơi thô để bé có cơ hội thử khả năng nhai. Nếu ngay từ những lần thử đầu tiên mà bé có biểu hiện nôn, mẹ không nên quá lo lắng và hãy đừng ngại giúp bé thử lại một lần nữa.
4. Các bước cơ bản để bé tập phản xạ nhai
Bước 1: Mẹ có thể tập cho con ăn thô đều đặn hàng ngày bằng các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa mà bé thích trước, ví dụ như đậu phụ, khoai tay nghiền, khoai lang hấp v.v. Bắt đầu cho bé ăn từ bước nghiền thật nhuyễn trước, sau đó tăng dần độ lợn cợn của thực phẩm để cho bé quen dần và xem bé có thể quen được đến mức nào. Sau đó tiến tới cho bé ăn một miếng nhỏ bằng nửa hạt đậu để bé tự mình nhai nhỏ đến khi có thể nuốt được, không nuốt chửng gây ọe nữa. Mẹ tiếp tục luyện cho con đến khi nào con có thể ăn miếng mà mẹ xắn theo kích thước nào cũng được và nhai cho đến khi miếng ăn đó nhuyễn hẳn để có thể nuốt dễ dàng.
Bước 2: Khi bé đã tập nhai quen các thực phẩm mềm trên, mẹ có thể tập cho con nhai cháo có độ thô nhiều hơn. Ở bước này, trước mỗi lần nấu cháo cho con, mẹ hãy múc riêng ra một thìa cháo nguyên hạt, xay rối hơn độ mịn bé vẫn ăn một chút, sau đó trộn chỗ cháo này vào bát cháo đã xay nhuyễn của con. Khi cho bé ăn, mẹ hãy nghe ngóng xem con phản ứng thế nào, nếu bé không chịu được và có dấu hiệu nôn ọe, mẹ hãy dừng lại ngay. Lúc này mẹ lại quay về tập cho bé nhai bằng đồ ăn mềm cho đến khi nào bé sẵn sàng thử lại món cháo ở trên. Để giúp con không ọe, trong khi ăn mẹ nên cho bé thêm 1 thìa nước để bé nuốt được dễ dàng hơn. Cứ như vậy, mẹ nâng dần độ thô của cháo lên dần cho đến khi bé quen hẳn và có thể ăn được cháo nguyên hạt hầm nhừ, rau xay vẫn có thể có xơ, và thịt thì chỉ cần bằm nhuyễn. Bước luyện tập này mẹ có thể kéo dài cả tháng hoặc hơn, miễn là mẹ chịu kiên nhẫn.
Ngoài việc luyện cho con bằng cháo và thức ăn mềm, khi bé được khoảng 7 tháng, mẹ có thể mua cho bé các loại bánh ăn dặm để bé tập cầm tay và cho vào mồm nhai. Loại bánh này có thể tan ngay khi mới cho vào miệng bé, nên mẹ cũng không phải lo bé bị hóc khi luyện tập.
Phương pháp ăn dặm đúng cách kiểu Việt Nam theo nguyên tắc “3 không, 2 có” của mẹ bé Mật Ong
Không cần áp dụng phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN), không luyện qua phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW), chỉ với kinh nghiệm của bản thân và áp dụng phương pháp “3 KHÔNG – 2 CÓ”, bé Mật Ong của mẹ Uyên giờ đã ăn uống giỏi như người lớn. Hãy nghe mẹ Mật Ong chia sẻ phương pháp độc đáo này.
Chuyện ăn uống của con là nỗi ám ảnh của hầu hết các mẹ, nhất là những người làm mẹ lần đầu. Nhiều mẹ vẫn thường vào facebook của mình để hỏi bí quyết tập cho con ăn dặm, hỏi mình áp dụng phương pháp nào? Mình hay cười bảo “phương pháp ăn dặm kiểu Việt”.
Thực ra mình biết nghe đến “ăn dặm kiểu Việt” là mọi người sẽ tưởng tượng ra cảnh bé vừa ăn vừa xem tivi, chơi ipad, vừa ăn vừa đi, hay thức ăn được xay nhuyễn dù trẻ đã 2 tuổi chẳng hạn,… Với mình, mọi khái niệm đó hoàn toàn xa lạ. “Ăn dặm kiểu Việt” là đến bữa, bé sẽ tự mang chén bát ra bàn, leo lên ghế, tự xúc ăn. Con mình thậm chí còn nói “KHÔNG” với cháo trong suốt quá trình ăn dặm và nếu mẹ nấu không ngon sẵn sàng từ chối cả bữa ăn. Bí quyết của mình đơn giản và quen thuộc lắm!
Qui tắc “3 KHÔNG” khi cho con ăn dặm:
– Không làm giúp con: Nếu bạn làm hộ con ngay cả việc cơ bản nhất như chuyện ăn uống, bạn sẽ phải làm hộ con tất cả những việc còn lại và vô tình tước đoạt đi sự tự lập, ham học hỏi của con trẻ. Do đó, mình toàn tự để con tự xoay sở với bữa ăn của mình. Từ tháng thứ 5 – tháng thứ 6, mình hỗ trợ con dùng thìa múc thức ăn. Sau đó thì để cho con tự xử lý. Không thìa không khéo thì bốc, bốc bột không được thì bưng bát liếm, sau một thời gian kiên trì là con dùng thìa rất nhuyễn.
– Không ép con: Mình biết nhiều mẹ rất hay lo, chỉ cần thấy con ăn hơi ít hơn một chút là đã sốt vó lên rồi. Với mình đó là “bệnh sướng quá”. Vì sướng quá nên lúc nào cũng lo con đói, con gầy. Bản năng của trẻ cứ đói là ăn. Không ăn nghĩa là chưa đói. Đơn giản thế thôi. Thông thường biếng ăn tâm lý sẽ kéo dài đến 1 tuần (đó là khoa học bảo thế!). Mình đã từng có những bữa ngồi nhìn con bốc hết món này bôi trét ra bàn, bốc đến món khác chỉ để chơi mà không ăn một tí nào. Cứ như thế, kéo dài đến 1 tuần. 1 tuần sau, bé tự ăn trở lại bình thường một cách ngon lành, ăn không biết no.
– Không biến con thành robot: Thông thường các mẹ thu nhặt những phương pháp này kia được nhiều người chia sẻ, rồi về cứ thế áp 100% lên con mình, thay vì tìm hiểu xem con mình thích gì, có hứng thú với món nào, màu sắc thức ăn nào,… Chưa kể suất ăn của con còn thường trở thành “chiến tích” để khoe với những mẹ khác. Mình không “nuôi lợn con” nên không chỉ quan tâm đến mỗi chuyện ăn. Ăn ít ăn nhiều là tuỳ theo nhu cầu của từng bé. Mình có tham khảo bí quyết của chị bạn, nhưng vì con mình biểu hiện rất khác nên mình nương theo con. 6 tháng bé đã bắt đầu ăn thức ăn thô và 8 tháng thì chuyển qua cơm nát (hoặc cơm nhai) và thức ăn thô hoàn toàn vì bé không thích cháo.
Qui tắc “2 CÓ” khi cho con ăn dặm
– Có thời gian dành cho con: Nhiều mẹ vẫn hay than vãn rằng công việc bận rộn, đâu phải ai cũng có thời gian để mà ngồi chờ con ăn xong. Thực ra thì người mẹ nào cũng bận rộn hết, không việc này thì việc kia. Chỉ cần bạn sắp xếp khéo léo một chút thì hẳn là không khiến bạn quá mất thời gian. Đổi lại, con càng lớn bạn sẽ càng nhàn nhã hơn. Nếu bạn ngại con dây bẩn phải dọn rửa, cứ sắm cho bé yếm ăn bằng nilon, ghế ăn bằng nhựa, hết giờ ăn lột yếm và mang ghế vào xối nước. Xong. Không mất thêm quá 1 phút. Còn trong bữa ăn tối đa 30 phút ấy, thay vì lo lắng việc con dây bẩn, mình nói chuyện với con về đồ ăn, màu sắc, mùi vị, kết cấu,… và ăn làm mẫu để bé thấy thức ăn ngon như thế nào.
– Có biết ăn ngon: Nghe thật buồn cười nhưng khẩu vị của con trẻ rất là tinh nhạy, thậm chí là còn hơn người lớn hẳn một bậc. Chúng ta thích ăn ngon, con trẻ cũng thế và còn hơn thế. Vì thế hãy nấu thật ngon, bày biện thật đẹp, chế biến riêng từng món rõ ràng, mùi vị khác nhau, trẻ sẽ cảm thấy thích thú với việc ăn uống hơn là tống tất cả thực phẩm vào trong một nồi rồi nấu nhừ lên. Thú thật, nếu là bạn, bạn có cảm thấy hứng thú với việc ăn một bát thức ăn như thế hay không?
Đấy chỉ là những qui tắc cơ bản nhất để “nhập môn” khi bạn quyết định cho con “ăn dặm kiểu Việt”. Và mình đã thành công với những qui tắc bình thường như thế đấy!
Chúc các mẹ cho con ăn dặm đúng cách và thành công được như mẹ bé Mật Ong nhé.